Khi nhà báo đổ máu vì đam mê nghề nghiệp

Google News

“Tôi đã đổ máu, trả giá vì nghề báo. Tôi bạc cả tóc, phải chuyển nhà để bảo đảm an toàn khi không thể bắt được kẻ hại mình”, - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Tối 9/6, buổi giao lưu “Các thế hệ thầy - trò với nghề báo” đã diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động của lễ kỷ niệm 55 năm thành lập khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Những cựu sinh viên báo chí sau nhiều năm làm nghề đã quay trở lại, cùng thầy cô và đồng nghiệp chia sẻ cách thức, kỹ năng hay những gian truân, vất vả của nghiệp báo. Từ đó, họ truyền cho lứa sinh viên đàn em lý tưởng và cảm hứng để tự tin theo đuổi đam mê.
Đổ máu khi làm nghề
Chia sẻ trong buổi giao lưu, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, cựu sinh viên, tâm sự anh làm báo (cụ thể là phóng sự, phóng sự điều tra) vì muốn làm điều gì đấy cho xã hội thay vì viết một áng văn chương nào đó.
Anh cho rằng ý nghĩa của công việc này là phải làm thay đổi xã hội theo hướng tích cực, đưa những người phạm pháp ra tòa, khiến quan chức làm sai phải chịu kỷ luật.
Trong quá trình thực hiện lý tưởng của mình, nhà báo Hoàng đã tạo nên nhiều phóng sự, phóng sự điều tra gây được tiếng vang trong và ngoài nước. Tuy nhiên, anh bày tỏ bản thân và gia đình đã gặp nguy hiểm khi anh theo đuổi các đề tài.
“Tôi đã phải đổ máu vì nghề báo, trả giá khi làm báo. Tôi bạc cả tóc, phải chuyển nhà để bảo đảm an toàn khi không thể bắt được kẻ hại mình”, nhà báo Hoàng giãi bày về việc bị côn đồ hành hung vào năm ngoái.
Khi nha bao do mau vi dam me nghe nghiep
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ về việc đổ máu vì nghề báo. Ảnh: Hoàng Như.
Trước những câu hỏi, thắc mắc về nghề của sinh viên, nhà báo Hoàng khuyên nếu muốn trở thành nhà báo giỏi, trước hết, các bạn phải có tâm huyết với một điều gì đó.
Đó có thể là tâm huyết, trăn trở về những vấn đề ở quê hương, ký túc xá, môi trường giáo dục hay chính con đường mà các bạn đi hàng ngày. Để từ đó, các bạn sẽ suy nghĩ và hành động thay đổi nó theo chiều hướng tốt hơn.
Cùng đưa ra lời khuyên cho đàn em, nhà báo Trần Sơn Bách mong các bạn sinh viên không nên xao nhãng việc học vì các công việc làm thêm.
“Dù là việc cộng tác, viết bài cho các báo để trau dồi nghiệp vụ thì việc bỏ bê học hành sẽ khiến các bạn không có kiến thức, nền tảng đầy đủ. Đến khi ra trường, các bạn sẽ bị rối trong ma trận thông tin. Vì vậy, các bạn cần cân bằng việc học và làm thêm”, nhà báo Sơn Bách cảnh báo.
Học nghề báo không dễ
Bên cạnh những ý kiến của các cựu sinh viên, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, cho rằng thực tế hiện nay đòi hỏi sinh viên, nhà báo trẻ phải có nhiều kỹ năng tốt hơn (đặc biệt về công nghệ) so với thế hệ trước đây.
“Tôi muốn khuyên sinh viên muốn trở thành nhà báo phải có ý chí học và rèn nghề. Các em phải đọc, nghiên cứu thật nhiều. Bởi vì nhà báo hiện nay không chỉ là người đưa tin mà còn là nhà chính luận, văn hóa… Nếu không đọc, nghiên cứu, các em sẽ không có đủ kiến thức làm nghề”, thầy Dững nói.
Đồng ý với quan điểm của thầy Dững, TS Trần Đăng Tuấn, giảng viên khoa Báo chí, kể trước đây, điều kiện dạy và học nghề báo rất thiếu thốn, khó khăn.
Hiện, việc tiếp cận thông tin hỗ trợ học tập của sinh viên dễ dàng hơn xưa. Vì vậy, dù sinh viên có nghỉ trên lớp nhiều, họ vẫn có phương tiện để học và tham khảo. Tuy nhiên, việc có nhiều sách, phương tiện lại đòi hỏi sinh viên học khó hơn.
Ông nhận định: “Cuộc sống thời sau không bao giờ dễ dàng hơn thời trước. Bây giờ, một người bình thường cũng có thể đưa lên mạng xã hội những bài viết của mình. Đó cũng là làm báo”.
“Ngày xưa, chúng ta không thể tưởng tượng sẽ có đài truyền hình của một cá nhân. Nhưng hiện nay, các bạn có thể làm được điều này. Quan trọng là các bạn có cái gì để nói với đời hay không. Như vậy, việc học nghề báo đối với các bạn càng trở nên khó khăn hơn”, TS Tuấn bày tỏ.
Theo Hoàng Như/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)