Sản xuất rầm rộ nhưng “bỏ mặc” PCCC
Năm 2016, Công ty TNHH dịch vụ vận tải và sản xuất thương mại Việt Thành (công ty Việt Thành) được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án “Bãi đỗ xe và dịch vụ vận tải Việt Thành” với mục tiêu “kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ bến bãi, sửa chữa, bảo dưỡng các loại phương tiện vận chuyển, xây dựng nhà xưởng công nghiệp cho thuê” trên diện tích khoảng 7.428m2 đất tại thôn Phương Hạ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, do bà Trần Thị Nga làm Giám đốc.
Tuy nhiên, dự án bãi đỗ xe không được hình thành mà thay vào đó chỉ là hạng mục nhà xưởng công nghiệp được mọc lên để cho thuê. Với tính chất của dự án trên, năm 2019, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Hưng Yên mới thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy chữa cháy nhưng chưa được nghiệm thu. Đồng nghĩa với việc dự án chưa đủ điều kiện để đưa vào hoạt động sản xuất.
Dù vậy, từ cuối năm 2018, Công ty Việt Thành đã xây dựng một kho xưởng rộng lớn để cho Công ty cổ phần quốc tế Toàn Mỹ, có địa tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội do ông Lê Viết Quảng làm Tổng giám đốc sử dụng để sản xuất bình nước nóng năng lượng mặt trời, bồn chứa nước, kinh doanh thiết bị vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp, máy lọc nước... bất chấp việc dự án chưa được nghiệm thu PCCC.
|
Công ty Việt Thành hoạt động tại huyện Văn Giang, Hưng Yên suốt 4 năm nhưng không có thiết kế PCCC |
Năm 2019, công ty Việt Thành xin thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư dự án thành “Trung tâm sản xuất và kinh doanh dịch vụ thương mại Việt Thành” với mục tiêu “sản xuất bình nước nóng năng lượng mặt trời, bồn chứa nước, kinh doanh thiết bị vệ sinh, nhà tắm, máy lọc nước, xây dựng nhà xưởng công nghiệp cho thuê” và mở rộng thêm khoảng 4.749m2.
Ngày 27/10/2020, Ông Bùi Thế Cử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên (ông Cử đã được miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên để bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào ngày 30/11/2020) đã ký quyết định chủ trương đầu tư số 109/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Việt Thành thực hiện thay mục tiêu, quy mô đầu tư dự án trên do ông Lê Viết Quảng làm Giám đốc, thay vì bà Trần Thị Nga trước đó.
Như vậy, sau khi “đổ bộ” vào đất dự án “Bãi đỗ xe và dịch vụ vận tải Việt Thành” để sản xuất bình nước nóng, thiết bị vệ sinh... khi dự án chưa đủ điều kiện PCCC, ông Lê Viết Quảng đã “thâu tóm” luôn cả dự án với tên gọi mới “Trung tâm sản xuất và kinh doanh dịch vụ thương mại Việt Thành”.
Được biết, ông Quảng hiện đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Toàn Mỹ, đồng Giám đốc của Công ty Việt Thành.
Điều đáng nói, trong quyết định chủ trương đầu tư dự án được ký ngày 27/10/2020, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty Việt Thành phải “tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ, an toàn lao động”.
Tuy nhiên, theo đại úy Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Hưng Yên), với việc thay đổi tính chất từ quyết định chủ trương dự án “bãi đỗ xe và dịch vụ vận tải Việt Thành” sang dự án “trung tâm sản xuất và kinh doanh dịch vụ thương mại” vào ngày 27/10/2020 thì công ty Việt Thành chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC.
“Theo quy định, khi thay đổi dự án thì phải thẩm duyệt lại từ đầu về phòng cháy, chữa cháy dựa theo căn cứ quyết định chủ trương đầu tư dự án. Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới được đưa dự án đi vào hoạt động”, đại úy Đức nhấn mạnh và cho biết, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Hưng Yên sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm đối với vi phạm.
Dù vậy, tính đến ngày 4/1/2021, nhà chức trách tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có bất cứ động thái xử lý nào đối với Công ty Việt Thành về vi phạm PCCC cũng như việc đưa dự án vào hoạt động sản xuất chưa đủ điều kiện trong suốt 4 năm qua và vẫn đang tiếp diễn.
Cần đình chỉ hoạt động
Về góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, công trình sẽ bị xử phạt vì đã vi phạm các quy định tại điểm a khoản 5 và khoản 6 điều 36 đối với hành vi tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.
Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Luật sư Tùng cũng nhấn mạnh, tại điểm c, khoản 2, điều 7, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Phòng cháy và chữa cháy chỉ rõ: Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy: Cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này ảnh hưởng đến một trong các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định này khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền.
Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền .
Báo Kiến Thức tiếp tục thông tin
>>>Mời quý độc giả xem thêm video: Cháy khách sạn 8 tầng, 1 người chết