Ngày 10/12, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức lễ ký kết trực tuyến với Four Paws – tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu về cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại và trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam có cam kết không ăn thịt chó và mèo.
Thoả thuận giữa TP Hội An và tổ chức Four Paws nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn chặn hiểm họa có thể bùng phát đại dịch. Các nội dung khác trong thỏa thuận bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tại địa phương và giải cứu chó, mèo khỏi các vụ buôn bán.
|
UBND TP Hội An và Four Paws - tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu ký kết hợp tác xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại. (Ảnh: Báo Quảng Nam).
|
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, đây là một hoạt động mang tính nhân văn. Hội An được biết đến với truyền thống nhân tình thuần hậu. Thông qua cam kết này, Hội An mong muốn thúc đẩy quyền lợi động vật thông qua việc xóa sổ bệnh dại, loại bỏ dần nạn buôn bán thịt chó, mèo và đưa thành phố trở thành điểm đến du lịch xanh, được du khách yêu mến.
Hội An là thành phố du lịch, việc nói không với thịt chó, mèo sẽ mang ý nghĩa nhân văn, gây ấn tượng đối với du khách. Tuy nhiên, câu chuyện nói không với thịt chó, mèo không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Tuy nhiên, đến nay chưa địa phương nào khả thi do không nhận được sự đồng tình ủng hộ của một bộ phận người dân. Do đó, không ít người băn khoăn: “Liệu Hội An cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo có là cấm trên giấy và mãi chỉ là hô hào?”
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, việc Hội An đi đầu nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo phải nói là rất tốt nhưng thành phố sẽ phải làm công tác tuyên truyền rất mạnh mẽ để được sự đồng thuận của người dân.
“Hiện nay, pháp luật chưa có khung quy định nào về việc cấm ăn thịt chó. Người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Do đó, làm sao Hội An tổ chức thuyết phục được tất cả người dân thành phố không ăn thịt chó, mèo”, bà An nói và bày tỏ sự băn khoăn "không biết có khả thi được không?".
Theo PGS.TS Bùi Thị An, không biết tâm lý của người dân Hội An như thế nào chứ như các nơi khác thì rất khó.
“Nếu Hội An làm được thì phải có một sức mạnh tuyên truyền để tất cả người dân đều đồng thuận. Bởi người dân mà không đồng thuận sẽ khó khả thi. Mục tiêu rất tốt nhưng đối với một bộ phận người dân, họ lập luận, luật không cấm tôi cứ ăn, luật không cấm tôi vẫn kinh doanh, tiêu thụ thịt chó mèo. Thậm chí nhiều người vẫn coi thịt chó là một món ăn “khoái khẩu”. Đó là một vấn đề khiến tôi lo rằng khó khả thi. Còn nếu Hội An làm được sẽ là địa phương tiên phong thực hiện để các địa phương khách trên cả nước tiếp nối.”, bà An nêu ý kiến.
Một số ý kiến cho rằng, việc Hội An là thành phố đầu tiên ở Việt Nam nói không với thịt chó nhưng nếu chỉ là ký cam kết trên văn bản mãi vẫn chỉ là hô hào khẩu hiệu. Thực tế tại nhiều địa phương khi có ý định triển khai việc hạn chế, tiến tới chấm dứt tiêu thụ thịt chó mèo, phong trào này đến phong trào khác những người ăn vẫn cứ ăn, người đòi cấm vẫn cứ đòi cấm. Hơn nữa lại gây ra những cuộc tranh luận không có hồi kết.
“Tại sao chúng ta không nhìn nhận và quản lý tiêu thụ thịt chó, mèo ở góc độ pháp luật? Ví như giờ bán một con chó, thực tế dường như không có cơ quan nào kiểm dịch, không có dấu an toàn thực phẩm... trong khi các quy định pháp luật đều đã có. Giờ chỉ cần kiểm soát bằng pháp luật, nghĩa là: thịt chó khi thành phẩm phải qua kiểm định, có kiểm soát của thú y, của an toàn thực phẩm, lò mổ đủ tiêu chuẩn, quy định pháp luật... như thế nếu đủ tiêu chuẩn để bán thì giá thịt cũng sẽ rất đắt. Khi giá thịt chó đắt, ít người ăn sẽ dần dần tự loại bỏ thịt chó”, một ý kiến cho biết.
Mới đây, trao đổi với báo chí, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết, câu chuyện ăn thịt chó hay không ăn thịt chó đã tranh luận khá lâu và khá nhiều. Cách đây vài năm đã nói rất rộ, tưởng là đã ngã ngũ nhưng kỳ thực là không ngã ngũ.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói rằng, có những người cho rằng, ăn thịt chó không văn minh. Nhưng tất cả đều xuất phát từ việc nhìn nhận việc ăn thịt chó là không lương thiện, lành mạnh và phần nào chịu ảnh hưởng từ những khuyến cáo gần đây của các tổ chức bảo vệ động vật thiên nhiên hoang dã.
Chuyên gia xã hội học cho rằng, việc ăn thịt chó cần được nhìn nhận là văn hoá chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây. Vì vậy, không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó.
"Tôi không phải là người ăn thịt chó, mà thậm chí còn không biết ăn. Nhưng tôi thấy rằng, đánh giá câu chuyện ăn thịt chó là không văn minh, dã man, tàn bạo là không ổn. Bởi thực ra ăn thịt chó cần được nhìn nhận như là văn hóa, một món ăn có tính chất truyền thống", ông Bình trao đổi với báo chí cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ăn thịt chó, những hệ lụy khôn lường:
Nguồn: Truyền hình Vĩnh Long.