Thống kê đến cuối ngày 23/11, Hà Nội đã tiêm vắc xin cho trẻ em tại 79 điểm trường, trạm y tế thuộc 13 quận, huyện, thị xã (Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Phú Xuyên). Đã tiêm được 33.618 mũi tiêm cho các học sinh lớp 10, 11, 12.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng, tại các điểm tiêm đều bố trí phòng sơ cấp cứu có đội cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn tham gia. Bên cạnh đó, y tế trường học, y tế xã, phường cũng được huy động sẵn sàng sơ cứu ngay tại chỗ nếu có trường hợp bất thường xảy ra. “Chúng ta sẽ đảm bảo an toàn cao nhất trong tiêm chủng cho các con”, ông Tuấn nói.
|
Ảnh minh họa. |
Dự kiến đợt này Hà Nội sẽ có 791.921 trẻ được tiêm chủng. Trong đó, có 519.547 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và 272.374 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi. Thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm chủng trước ngày 25/11. Ông Tuấn cho hay, 5 quận, huyện đầu tiên tiêm vắc xin cho trẻ em gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Long Biên và Hoài Đức. Từ chiều qua, 25 quận, huyện, thị xã còn lại tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho trẻ.
Tiêm ở trường học, bệnh viện
Quận Thanh Xuân triển khai tiêm vắc xin cho hơn 12.000 học sinh của 14 trường THPT công lập, dân lập và liên cấp tại 6 điểm tiêm lưu động của 6 điểm trường. Đợt tiêm này, quận triển khai trong 2 ngày 23-24/11 và tiêm vét vào ngày 25/11. Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, cho biết, ngoài 6 điểm tiêm lưu động, quận tổ chức 1 điểm tiêm tại Bệnh viện Việt - Bỉ để tiêm cho trẻ mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu… “Sáng 23/11, quận đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các điểm tiêm chủng. Qua kiểm tra, các điểm tiêm đã tuân thủ đúng quy trình tiêm. Cùng với đó, tại mỗi điểm tiêm cũng đã bố trí tổ cấp cứu y tế để xử trí các tình huống bất lợi sau tiêm chủng. Tuy nhiên, trong sáng nay, chỉ có duy nhất một học sinh nữ bị mệt và đói đã được xử trí kịp thời”, ông Hải nói.
Hải Dương tập huấn kỹ lưỡng trước khi tiêm
Ngày 23/11, Trung tâm Y tế TP Hải Dương tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Hồng Quang. Tại điểm trường này, Trung tâm Y tế sử dụng 9 phòng làm nơi khám sàng lọc, phòng tiêm, theo dõi sau tiêm và phòng cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị. Ông Trương Văn Thạo, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương, cho biết, là điểm tiêm chủng đầu tiên cho học sinh trên toàn tỉnh nên đơn vị đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên kỹ lưỡng trước khi triển khai. Ðơn vị cũng thành lập đội xử lý phản vệ tại chỗ và đội cấp cứu lưu động nhằm xử lý tình huống bất thường. Theo kế hoạch, hơn 1.500 học sinh Trường THPT Hồng Quang được tiêm vắc xin Pfizer trong hai ngày 23-24/11.
Tới dự và giám sát công tác tiêm chủng, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, yêu cầu các lực lượng tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiêm vắc xin cho trẻ em trên diện rộng. Ðịa phương vừa được cấp 52.650 liều vắc xin Pfizer để tiêm đợt 1 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Sau khi hoàn tất tiêm thí điểm cho học sinh Trường THPT Hồng Quang, địa phương tiếp tục phân bổ số vắc xin đã được cấp để tiêm đồng loạt cho trẻ em các huyện, thị, thành trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên một số địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp như: TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Hà.
Quận Đống Đa đã triển khai 8 điểm tiêm cho học sinh, trong đó có 7 điểm tại trường và 1 điểm tại bệnh viện. Dự kiến quận sẽ tiêm cho hơn 14.000 trẻ từ 15-17 tuổi. Tới kiểm tra công tác tiêm chủng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận xét, tất cả các điểm tiêm đều thực hiện theo kế hoạch liên ngành, đảm bảo thông báo đến phụ huynh, người giám hộ cho học sinh đồng ý tiêm. Trong quá trình tiêm, trang thiết bị, việc chuẩn bị các dây chuyền tiêm đảm bảo tiêm chủng an toàn và an toàn phòng, chống dịch. Với trẻ em, nhân viên y tế có hướng dẫn, tư vấn thêm cho phụ huynh theo dõi con em mình sau tiêm, đặc biệt trong 7 ngày đầu, trọng tâm là 3 ngày sau tiêm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 502.980 liều vắc xin Pfizer thành phố được cấp, Sở đã phân bổ 304.140 liều cho 30 quận, huyện để tiêm mũi 1 cho trẻ từ 15-17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn theo lộ trình hạ dần độ tuổi (có thể sử dụng để tiêm trả mũi 2 cho trẻ từ 15-17 tuổi sau khi đã hết đối tượng tiêm mũi 1 trên địa bàn), bảo đảm khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần.
Học sinh mong sớm được đến trường
Trong ngày đầu tiêm vắc xin cho học sinh tại Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), học sinh, phụ huynh rất phấn khởi, tuân thủ quy định về phòng dịch. Từ ngoài cổng, lực lượng y tế đo nhiệt độ, phân loại học sinh. Nếu có thân nhiệt cao, học sinh được đưa đi theo lối riêng về phòng cách ly chờ kiểm tra y tế. Học sinh đủ điều kiện tiêm chủng được hướng dẫn đến phòng chờ. Giáo viên chủ nhiệm điểm danh, học sinh xếp hàng có khoảng cách đi về phòng khám sàng lọc trước khi tiêm. Sau khi khám, học sinh đủ điều kiện đi về khu vực tiêm dành riêng cho nam và nữ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, cho biết, trước đó trường có 2.043/2.104 học sinh đăng ký tiêm. Khi đợt tiêm diễn ra, phụ huynh đăng ký bổ sung, chỉ có khoảng 50 em có cơ địa dị ứng, bệnh nền chưa được tiêm đợt này. Do học sinh đông, trường và lực lượng y tế lên kế hoạch tiêm trong 2 ngày mới xong, trong đó, buổi đầu tiên đã tiêm an toàn cho 600 học sinh lớp 12.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà trường bố trí mỗi khung giờ chỉ có 2 lớp đến tiêm. Học sinh phải có bố hoặc mẹ đi cùng để biết thông tin về vắc xin. “Để tránh lọt những hình ảnh nhạy cảm ra ngoài ảnh hưởng tâm lý học sinh, nhà trường bố trí khu vực tiêm riêng cho nam, nữ và các em không được đưa điện thoại vào”, bà Hiền nói. Theo bà, nếu tiêm xong vắc xin mà học sinh được đi học thì đó sẽ là tin rất vui đối với học sinh, giáo viên, bởi đã đến tháng thứ 7 nhà trường không được dạy học trực tiếp.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú, từ sáng sớm, phụ huynh đưa con đến trường để tiêm phòng. Trong ngày, trường này hoàn thành kế hoạch tiêm cho 888 trên tổng số 999 học sinh. Trong số học sinh chưa đăng ký tiêm, một số em bị dị ứng, một số em khác ở quê học trực tuyến chưa về. Nhà trường phân luồng học sinh, phụ huynh từ ngoài cổng và hướng dẫn học sinh làm các thủ tục để tiêm theo quy trình 1 chiều. Phụ huynh được mời đứng cạnh con để kiểm tra thông tin về số lô, loại vắc xin sẽ tiêm cho con. Tất cả học sinh được tiêm vắc xin Pfizer.
Dự kiến đầu tháng sau, khối THPT học trực tiếp
Trần Khánh Ly, lớp 12A7, Trường THPT Kim Liên, cho biết, khi được thông báo đi tiêm, em có chút hồi hộp nhưng rất vui bởi ngày đến trường sẽ không còn xa. Ai cũng mong ngóng được đi học trực tiếp để việc học hiệu quả hơn. “Hiện nay, mỗi ngày, thời gian em học trực tuyến quá nhiều, trong đó, sáng học chương trình chính, chiều và tối học thêm các môn ở trung tâm để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngồi lì trước máy cả ngày khiến lưng đau ê ẩm và mắt rất mỏi, nhưng em không có phương án nào khác”, Ly nói.
Khi được hỏi, nhiều phụ huynh học sinh đều trả lời họ mong mỏi con được tiêm phòng sớm để được bảo vệ sức khoẻ trước dịch bệnh. Khi có khảo sát ý kiến, họ đồng ý và đăng ký tiêm với tỉ lệ gần 100% ở các trường.
Trần Quốc Hưng, lớp 12A1, Trường THPT Phan Huy Chú, cũng nói rằng, học trực tuyến kéo dài khiến em đau đầu, mỏi mắt. “Em hi vọng, sau khi tiêm xong sẽ được đến trường”, Hưng hồ hởi.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ 23-27/11, Hà Nội sẽ hoàn tất việc tiêm vắc xin cho học sinh THPT. Sau đó, thành phố tiếp tục tiêm vắc xin cho học sinh THCS để các em sớm được đến trường. Dự kiến, đầu tháng 12, học sinh THPT sẽ đi học trực tiếp.