Hải Dương: Đổi đất làm V.A.C, dân xã An Thượng “dở khóc, dở cười”

Google News

Dồn điền, đổi thửa chuyển sang mô hình VAC hàng chục năm nay, nhiều người dân xã An Thượng đang “dở khóc, dở cười” khi xã chưa hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh biến động đất đai.

Bất cập do chậm điều chỉnh biến động đất đai
Mới đây, nhiều hộ dân khu dân cư số 1 xã An Thượng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) phản ánh đến Báo Tri thức và Cuộc sống về thực trạng, nhiều năm trước, 28 hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cấy lúa bấp bênh sang mô hình trồng cây lâu năm, chăn nuôi, đào ao thả cá.
Việc này được UBND tỉnh Hải Dương có chủ trương cho phép các địa phương thực hiện và được UBND huyện Nam Sách (xã An Thượng được sáp nhập hai xã Thượng Đạt và An Châu, trước đây thuộc huyện Nam Sách) có quyết định 1926 từ năm 2006 cho phép UBND xã Thượng Đạt (cũ) chuyển đổi 67.747m2 đất trồng lúa của 28 hộ dân sang đào ao nuôi cá, lập vườn trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Hai Duong: Doi dat lam V.A.C, dan xa An Thuong “do khoc, do cuoi”
Xây dựng nhà trông coi, hộ dân gặp khó khi diện tích đất đã nhận chuyển đổi với người khác không thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Để chuyển đổi sản xuất, nhiều hộ dân đã đổi diện tích đất nông nghiệp cho nhau để dồn ô đổi thửa, lập các mô hình VAC. Sau khi chuyển đổi, các hộ dân được UBND xã Thượng Đạt (cũ) thiết lập biên bản giao đất chuyển đổi cây trồng. Các hộ dân đã sử dụng diện tích đất chuyển đổi để sản xuất và canh tác ổn định cho đến nay.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, phần lớn các hộ dân đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Một số hộ dân được cấp GCNQSDĐ thì thông tin không đúng với thực tế, nhiều thửa đất đã chuyển đổi cho người khác nhưng vẫn thể hiện trong GCNQSDĐ và ngược lại, diện tích đất đã có quyết định chuyển đổi thành mô hình VAC lại không thể hiện trong giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Văn Hiền, người dân khu dân cư số 1 cho biết, để đủ điều kiện chuyển đổi sang mô hình VAC, trước đây ông đã đổi 677m2 đất nông nghiệp trên đồng cho ông Nguyễn Văn Díu (anh trai ông Hiền) để lấy diện tích đất của ông Díu tại khu vực chuyển đổi. Theo đó, gia đình ông Hiền được phép chuyển đổi 1003m2 (gồm đất của gia đình ông Hiền là 430 m2 và 677 m2 đất đổi cho ông Díu). Việc này được các cơ quan chức năng cho phép, có sơ đồ kẻ vẽ của địa chính xã, văn bản thống nhất của xã, thôn.
Sau khi chuyển đổi, ông Hiền đào ao, lập vườn, xây dựng nhà trông coi, chuồng trại để chăn nuôi và từ năm 2006 đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng khu chuyển đổi, có nhà trông coi và nhà chăn nuôi hiện đã xuống cấp.
Đến năm 2019, sau khi xã Thượng Đạt (nay là xã An Thượng) được sáp nhập về TP Hải Dương, UBND xã mới trả GCNQSDĐ. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại không thể hiện diện tích đất sau chuyển đổi. Nhiều lần gặp ông Nguyễn Văn Bích, khi đó là cán bộ địa chính yêu cầu làm lại sổ và điều chỉnh thông tin các thửa đất đã chuyển đổi, nhưng cán bộ này cũng không có câu trả lời thỏa đáng. UBND xã An Thượng sau đó cũng không đo đạc lại mà chỉ căn cứ vào hồ sơ cũ trước khi chuyển đổi. Dẫn đến tình trạng các thông tin về các thửa đất trong GCNQSDĐ đất nông nghiệp của ông Hiền không đúng so với thực tế do không thể hiện các diện tích đã chuyển đổi.
Hai Duong: Doi dat lam V.A.C, dan xa An Thuong “do khoc, do cuoi”-Hinh-2
Ông Nguyễn Văn Hiền. 
Hộ ông Đỗ Duy Thường, khu dân cư 1, xã An Thượng được UBND xã Thượng Đạt (cũ) giao tổng diện tích 1187m2 đất chuyển đổi cây trồng theo quyết định 1926 của UBND huyện Nam Sách trước đây. Tuy nhiên, trong GCNQSDĐ đất nông nghiệp chỉ thể hiện 614m2 còn thiếu hơn 500m2. Nguyên nhân do ông Thường có diện tích đất gần nhà bà Đỗ Thị Dừa (chị gái ông Thường) nên đã đổi diện tích ở vị trí trên đồng để lấy diện tích khu chuyển đổi làm VAC. Qua hơn 10 năm, bà Dừa vẫn đang sử dụng diện tích đất ở trên đồng. Trong khi, trong sổ đất cấp hiện tại của ông Thường đã thiếu diện tích đất đã nhận chuyển đổi này.
Đây cũng là thực tế chung về đất đai của 28 hộ dân xã An Thượng tại khu vực chuyển đổi ở khu dân cư số 1 xã An Thượng (TP Hải Dương).
Đến những chuyện “dở khóc, dở cười”
Mới đây, các hộ ông Nguyễn Văn Hiền, Đỗ Duy Thường xây dựng cải tạo lại nhà trông coi trên diện tích đất đã nhận chuyển đổi. UBND xã An Thượng cho biết, phần diện tích chuyển đổi của hộ ông Nguyễn Văn Hiền và ông Đỗ Duy Thường được phép xây dựng nhà trông coi 20m2.
Tuy nhiên, Phòng TN&MT TP Hải Dương có thông báo cho rằng, việc UBND xã An Thượng xác định và hướng dẫn cho hộ ông Thường và ông Hiền xây dựng công trình trên đất là chưa đúng quy định.
Theo Phòng TN&MT TP Hải Dương, hộ ông Nguyễn Văn Hiền được UBND TP Hải Dương cấp đổi GCNQSDĐ đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây lâu năm chỉ là 246m2. Tương tự, hộ bà Đỗ Thị Miền (mẹ ông Đỗ Duy Thường) chỉ có 614m2 đất trồng cây lâu năm được thể hiện trong GCNQSDĐ đất nông nghiệp. Diện tích hiện trạng ông Hiền và bà Miền đang sử dụng hiện nay là của các hộ khác.
“Nhiều năm qua, người dân chúng tôi cứ nghĩ thế là xong. Đến khi xây dựng, sửa sang chuồng trại, nhà trông coi mới thấy bất cập. Lý do mảnh đất của tôi không hoàn chỉnh. Trong khi hơn 1000m2 tôi đang sản xuất tại đây có 677m2 đã đổi cho anh trai là ông Díu ở trên đồng. Suốt thời gian dài, UBND xã đã không hướng dẫn người dân làm thủ tục hoàn chỉnh khi chuyển đổi đất làm VAC. Đến bây giờ lại cho rằng chúng tôi chưa đủ điều kiện để sửa ao, xây dựng trang trại, nhà trông coi.”, ông Hiền nói.
Thực trạng trên còn là nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về nhận tiền bồi thường khi Nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị trên địa bàn.
Trường hợp ông Đỗ Văn Điệp, khu dân cư số 1 đã đổi ruộng cho người khác về khu chuyển đổi nhưng khi lập phương án thu hồi giải phóng mặt bằng lại là tên người khác dù ông Điệp đã sử dụng đất sau chuyển đổi ổn định gần 20 năm qua.
“Tôi đổi đất nông nghiệp xuống khu chuyển đổi để đào ao thả cá trên 1000m2. Khi dự án vào, người được đổi về đòi lại diện tích đã chuyển đổi và họ nhận tiền bồi thường”, ông Điệp cho biết.
Ông Phùng Văn Hưởng, Trưởng khu dân cư số 1, xã An Thượng cho biết, thời điểm khi người dân chuyển đổi đất để làm mô hình VAC chỉ có đơn và xã chứng nhận có đơn xin phép chuyển đổi. Sau khi các hộ chuyển đổi đất xong, xã cũng tổ chức một tổ công tác đi khảo sát cho từng hộ một. Tuy nhiên, lại không hướng dẫn các hộ làm thủ tục dẫn đến hậu quả như ngày nay. “Khi dự án khu đô thị triển khai, hộ dân đã chuyển đổi lên đồng cấy trồng lại xuống đây lấy tiền”, ông Hưởng nói.
Theo Trưởng khu dân cư số 1, sau khi sáp nhập 2 xã Thượng Đạt và An Châu thành xã An Thượng như hiện nay, người dân có kiến nghị đòi sổ và diện tích đất canh tác. Đa số GCNQSDĐ của các hộ dân cho thấy, diện tích các hộ đã đổi cho nhau lại không thể hiện trong giấy chứng nhận, thậm chí diện tích đất còn bị thiếu đi.
“Đáng lẽ ông A đổi cho ông B thì phải chuyển diện tích đất đã đổi về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng hộ và trừ diện tích đã đổi cho hộ khác đi. Dẫn đến mâu thuẫn các hộ đều thiếu diện tích”, ông Hưởng nói.
Hai Duong: Doi dat lam V.A.C, dan xa An Thuong “do khoc, do cuoi”-Hinh-3
Ông Phùng Văn Hưởng, Trưởng khu dân cư số 1. 
Một trường hợp khác là ông Phùng Minh Đạt, người dân khu dân cư số 1 xã An Thượng, từ lâu đã có đơn đề nghị chuyển đổi diện tích 2000m2 của gia đình và thuê thêm đất của UBND xã quản lý để làm mô hình VAC. Trang trại của ông Đạt cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cán bộ địa chính xã khi đó là ông Nguyễn Văn Bích đến thu lại và nói sẽ cấp giấy mới nên gia đình tin tưởng, giao lại giấy tờ. Nhiều năm nay, toàn bộ diện tích khu chuyển đổi của hộ ông Đạt không được cấp giấy mới.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, trước thực trạng trên, UBND xã đã báo cáo về UBND thành phố. Hiện thành phố cũng giao cho xã xác minh lại nguồn gốc đất cụ thể để báo cáo thành phố.
Người dân xã An Thượng đề nghị chính quyền địa phương xác minh lại nguồn gốc đất, hỗ trợ các hộ dân trong vùng chuyển đổi hoàn chỉnh hồ sơ đất đai để người dân yên tâm sản xuất phát triển kinh tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm

Nguồn: VTV4


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)