Hà Nội xây cầu vượt, phân làn vẫn ùn tắc: Lỗi do đâu?

Google News

Đô thi hóa hiện đang tỷ lệ thuận với ùn tắc giao thông. Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội khoảng 1 tỷ USD/năm.

Xây cầu, phân làn...đã hiệu quả?
Mới đây, UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về việc tiếp tục thí điểm phân làn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến) từ 6/9 đến 31/12. Thực tế, tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại vẫn diễn ra, tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm vẫn “như cơm bữa”.
Ha Noi xay cau vuot, phan lan van un tac: Loi do dau?
Tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn thường xuyên ùn tắc dù được phân tách làn. 
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều xe máy không tuân thủ làn đường của mình, gây ảnh hưởng đến luồng lưu thông của làn ô tô làm ùn tắc nghiêm trọng. Tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở vẫn còn hiện tượng xe máy đi ngược chiều và cắt ngang dòng phương tiện lưu thông để lên cầu vượt.
Hàng ngày phải đi trên tuyến đường Nguyễn Trãi, anh Phạm Văn Thắng chỉ ra khó khăn trong việc đi đúng làn quy định: "Tuyến đường này có quá nhiều đường ngang, lối cắt, rất nhiều hàng quán hai bên đường, trường học, công ty... nên xe cộ đi lại cực kỳ lộn xộn. Trong làn xe máy thì ôtô đậu sát vỉa hè, ôtô đi vào, đi ra; nhiều người vừa đi vừa bấm điện thoại, chuyển làn vô tội vạ, người đi bộ băng ngang đường, thậm chí sang đường ngay lối xuống hầm vượt... vô cùng hỗn loạn”.
Ông Lê Văn Tiến, phường Ngã Tư Sở thì cho rằng: "Lực lượng chức năng nên làm quyết liệt trên diện rộng, phối hợp, chặn bắt, ghi hình biển số để xử phạt tất cả đối tượng vi phạm giao thông, tránh tình trạng “dễ thì bắt, khó thì bỏ”. Các lỗi chính cần xử lý là vượt đèn đỏ, lấn làn, đi tắt ngược chiều...”.
Bên cạnh việc thí điểm tách làn, trong những năm qua, TP Hà Nội đã cho xây dựng các cầu vượt qua đường dành cho người đi bộ, đây cũng là giải pháp nhằm giảm ùn tắc. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cây cầu vượt không phát huy được hiệu quả sử dụng, người dân vẫn thản nhiên đi ngang dưới lòng đường, vượt rào chắn, bất chấp nguy hiểm.
Theo thống kê có hơn 40 cây cầu vượt cho người đi bộ tại các tuyến đường Hà Nội. Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại cầu vượt trên đường Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch (trước cổng trường Tiểu học Phương Liên). Mặc dù đã đi vào sử dụng nhiều năm, nhưng hằng ngày, phụ huynh, học sinh vẫn băng qua đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Hay như cầu đi bộ trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, nút giao Giải Phóng – Lê Thanh Nghị mật độ người, xe tham gia giao thông rất lớn với tốc độ cao, nhiều người vẫn bất chấp băng qua đường thay vì sử dụng cầu đi bộ. 
Giải pháp phải đồng bộ, không manh mún
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ùn tắc giao thông - Nỗi ám ảnh ở các đô thị lớn" diễn ra vào tháng 9/2022, thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định: Ùn tắc giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông.
“Hà Nội và TPHCM so với các nước xung quanh thì thực sự giao thông chưa phải là đông, song có thể thấy rằng ý thức của người tham gia giao thông hiện nay so với các nước bạn là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục CSGT, các nguyên nhân khác dẫn đến ùn tắc giao thông là do trách nhiệm của người thi hành công vụ; Việc tổ chức giao thông thực hiện chưa tốt; Đèn hiệu giao thông được sắp đặt chưa thực sự hợp lý; Tổ chức giờ làm việc, phân bổ lại giờ làm việc cho hợp lý, giãn thời gian người dân đổ xuống đường...
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mong muốn của những nhà làm quy hoạch là hệ thống giao thông công cộng có sự kết nối như đường sắt, metro ngầm, BRT, taxi... và phải bỏ xe máy.
Để làm được điều đó chúng ta phải có phương án hết sức đầy đủ và khoa học. Nhưng hiện tại chúng ta đang bị làm nửa vời và không biết lúc nào mới xong được vì liên quan đến cả kinh phí đầu tư. 
“Hà Nội rất muốn bỏ xe máy nhưng rất khó vì liên quan đến cuộc sống người dân. Nếu muốn bỏ xe máy thì phải có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hiện nay tổ chức giao thông của chúng ta chưa khoa học”, KTS Trần Ngọc Chính bày tỏ quan điểm.
Còn chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy thì cho rằng, khi đường chật, hè không thoáng, phương tiện công cộng không thu hút, hạ tầng còn yếu kém mà đổ hết nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là do ý thức người dân là không đúng. Thời gian qua Hà Nội đã rất cố gắng xây dựng hạ tầng, mở rộng các ngã ba, ngã tư, triển khai hệ thống giao thông 3 tầng... Tuy nhiên, sự cố gắng này mới chỉ mới đáp ứng một phần cho các phương tiện. Cách đây mấy chục năm, Hà Nội chỉ có hơn 6.000 xe máy, vài trăm ô tô nhưng giờ đã 6,5 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô. Trong khi đường sá chỉ được mở rộng 1%, phương tiện thì tăng 15 – 20%. Do đó, hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng hiện tại của Hà Nội không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng các phương tiện.
“Hà Nội cần phải hiện đại hóa hạ tầng, các cửa ngõ Hà Nội phải mở rộng mới chống được ùn tắc. Giao thông công cộng, các tuyến metro, đường sắt đô thị phải khẩn trương hoàn thành và đưa vào hoạt động, tạo ra sự lưu thông liên kết, hiện đại, khoa học, hợp lý hơn. Phải làm sao ý thức người dân nâng cao, nhận thức được vai trò của giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói và đề nghị Hà Nội không nên xây dựng quá nhiều nhà cao tầng trong khu vực trung tâm, đưa các viện nghiên cứu, trường học...ra các thành phố vệ tinh.

>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội tắc đường nghiêm trọng trong giờ cao điểm do mưa bão (Nguồn: HANOITV)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)