Ngày 17/1, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội - cho biết: “UBND TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương thí điểm làm hàng rào phân cách làn xe buýt nhanh để phục vụ tuyến buýt nhanh BRT. Thí điểm thực hiện tại các đoạn đường, các điểm giao cắt từ vị trí nhà chờ buýt nhanh đến các nút giao Khuất Duy Tiến, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Giảng Võ, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017".
|
Nhiều phương tiện lấn làn, tạt đầu buýt nhanh BRT. Ảnh: Zing News. |
Theo ông Hải, dải phân cách phân làn buýt nhanh sẽ cao khoảng 60cm, là loại hàng rào nhẹ, di động. Còn trước đó, theo thiết kế chuẩn ban đầu, dải phân cách của tuyến xe buýt nhanh BRT là dải phân cách cứng xây bằng bê tông, cao khoảng 25cm nhưng khi thực hiện dự án có rất nhiều ý kiến được đưa ra nên Hà Nội đã tạm dừng việc xây dải phân cách cứng như ban đầu.
Ông Hải cho biết: “Việc lắp đặt hàng rào nhẹ nhằm mục đích ưu tiên cho xe buýt BRT chạy trên đường không bị lấn làn, tăng khả năng qua nút giao nhanh hơn, giảm thời gian vận hành trên tuyến”.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, sau 10 ngày vận hành, buýt nhanh BRT đã vận chuyển được gần 140.000 lượt hành khách/1 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển trên nhiều đoạn, nút giao thông của Hà Nội, người dân đi xe máy, thậm chí là ô tô vẫn cố tình lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh để giành đường.
Từ ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh BRT được vận hành, chạy theo lộ trình dài 14km và mất khoảng 45 phút từ Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Thời gian buýt nhanh hoạt động từ 5h đến 22h, tần suất hoạt động 5-10-15 phút/lượt…
Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện xe buýt nhanh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả bởi thường xuyên bị các phương tiện khác tạt đầu, lấn làn, nhất là ở các khung giờ cao điểm.