Grab, Go-Viet có chế tài này... tài xế sẽ không bị sát hại thương tâm?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ý kiến đã hiến kế cho việc đảm bảo an toàn cho lái xe Grab như việc hãng này nên thiết kế tính năng báo động hoặc nút khẩn cấp SOS để tài xế sử dụng khi gặp nguy hiểm và cho rằng, nên có quy định, tài xế có quyền chụp hình ảnh khách hàng để gửi về trung tâm Grab và cho người nhà…

Diễn biến mới nhất vụ nam tài xế GrabBike bị sát hại, cướp tài sản, chiều 29/9, thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết cơ quan công an đã phát thông báo truy tìm 2 nghi can liên quan vụ sát hại tài xế Grab, cướp tài sản.
Đáng chú ý, hai nghi can trong ảnh do cảnh sát cung cấp chính là hai nam thanh niên được tài xế Nguyễn Cao Sang (18 tuổi, quê Thanh Hóa, nạn nhân vụ án) chụp tại cổng Bến xe Mỹ Đình rồi gửi cho bạn học vào tối 26/9, trước khi Sang mất liên lạc.
Đây không phải là vụ việc duy nhất mà tài xế xe ôm công nghệ, thậm chí taxi bị giết, cướp bởi vậy, khi xảy ra vụ án trên, dư luận cho rằng, làm sao để bảo đảm an toàn cho các tài xế, vốn là những người có tài sản là chiếc xe máy, điện thoại, ví tiền khi hành nghề và là mục tiêu các đối tượng nghiện ngập, túng quẫn nhắm đến để cướp tài sản?
Nhiều người dân, bạn đọc đã góp ý, thậm chí hiến kế để các hãng xe công nghệ có thể áp dụng nhằm đảm bảo an toàn hơn cho các tài xế.
Chụp hình khách hàng
Trong những ý kiến được đưa ra, đáng chú ý là một đề xuất của thành viên diễn đàn OFFB - Binh Nguyen. Theo anh Binh Nguyen, với tình trạng các tài xế bị cướp, giết xảy ra như thời gian qua, thiết nghĩ Grab nên thiết kế tính năng báo động hoặc nút khẩn cấp SOS để tài xế sử dụng khi gặp nguy hiểm.
Grab, Go-Viet co che tai nay... tai xe se khong bi sat hai thuong tam?
 Nạn nhân và hai đối tượng nghi vấn do chính nạn nhân chụp gửi về cho người quen biết.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp khách đặt xe sau 19h đến 6h sáng hôm sau hoặc đến các khu vực ngoại thành, Grab nên đặt ra quy định, tài xế có quyền chụp hình ảnh khách hàng để gửi về trung tâm Grab và cho người nhà, đồng thời thông báo cho khách hàng biết về việc chụp ảnh này và cam kết không sử dụng hình ảnh vì mục đích khác.
Đồng thời, theo tài khoản Binh Nguyen, cần bắt buộc khách hàng khi đăng ký sử dụng ứng dụng Grab phải chụp ảnh chân dung lên và trên tài khoản đặt xe phải có ảnh khách hàng. Khi tài xế nhận khách nếu thấy ảnh đại diện đúng với khách hàng thì không phải chụp hình nữa. Còn nếu không thì phải chụp hình như trên.
Nếu trường hợp tài xế bắt khách ngoài thì yêu cầu khách hàng gọi vào điện thoại mình để lưu lại thông tin nhật ký cuộc gọi.
Đồng thời, các tài xế chạy xe đêm nên trang bị camera hành trình hoặc khi bắt đầu nhận khách thì thông báo xe có thiết bị giám sát. Như thế, sẽ giảm thiểu được rủi ro.
Bên cạnh đó, tài khoản này cũng yêu cầu Grab tính phí ứng dụng ít thôi để tài xế họ còn đất sống. Grab thì đừng nên ham tiền quá mà đánh đổi mạng sống. Kèo nào chát quá thì buông bởi an toàn bản thân là trên hết.
Độc giả Nguyễn Hải trong một bình luận cho rằng, theo phản ánh của các tài xế, khi tài xế Grad thấy nghi ngại về khách hàng mà hủy chuyến thì Grab sẽ không điều chuyến cho nữa , đồng nghĩa với từ đó về sau, tài xế sẽ đói... nên nhiều tài xế Grab không dám hoặc ngại huỷ chuyến. Dù biết rằng, trong vụ án trên, tài xế Sang chạy xe Exciter chở 2 vị khách bắt xe ngang đường, không qua ứng dụng Grab với quãng đường từ Bến xe Mỹ Đình đến khu vực phường Thụy Phương. Tuy nhiên, ý kiến trên cũng đáng để hãng xe này tham khảo trong hoạt động quản lý điều hành nhằm tránh đẩy các lái xe vào tình trạng rủi ro.
Các thủ đoạn của kẻ cướp
Trước đó, qua nhiều vụ tài xế xe ôm Grab bị cướp tài sản, cơ quan công an đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thủ đoạn của các đối tượng cướp tài sản của lái xe ôm Grab. Theo đó, các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của những người lái xe Grab, sau đó đề nghị chở đến những đoạn đường hẻo lánh, vắng người qua lại, hoặc yêu cầu di chuyển nhiều địa điểm. Các đối tượng có thể giả vờ đi tìm địa chỉ người nhà, người quen, hoặc vờ đi vệ sinh, sau đó chọn cơ hội thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.
Cơ quan công an cũng từng đưa ra khuyến cáo các lái xe ôm công nghệ, cần hết sức cẩn trọng, phòng ngừa với tội phạm cướp tài sản và đặc biệt lưu ý việc không dừng đỗ, đón, trả khách ở những nơi hẻo lánh, vắng người qua lại; trong trường hợp có khách đặt xe cũng cần chú ý những đặc điểm về trang phục, đầu tóc, dụng cụ mang theo để khi có các tình huống bất ngờ có thể nhanh chóng cung cấp cho cơ quan công an điều tra, xác minh; các lái xe ôm công nghệ cũng cần có số điện thoại của các đồng nghiệp.
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường thì có sự liên hệ, phối hợp; đối với những trường hợp khách yêu cầu, đề nghị chở đi lòng vòng, hoặc đi vào những địa điểm vắng người qua lại… thì từ chối không phục vụ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và sức khỏe.
Đồng thời, yêu cầu đơn vị chủ quản phải có các chính sách, biện pháp quản lý, giám sát hành trình của phương tiện, để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các lái xe khi cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc xảy ra cho thấy, lái xe ôm công nghệ vẫn khá chủ quan trong việc đảm bảo an toàn tính mạng bản thân như trường hợp nam tài xế vừa bị sát hại cướp tài sản ở Hà Nội, dù đã có linh cảm về các đối tượng khách hàng gọi xe, cẩn thận chụp ảnh người quen nhờ báo công an nếu xảy ra bất chắc nhưng lại không có biện pháp để tự bảo vệ dẫn đến trở thành nạn nhân của các đối tượng cướp tài sản, giết người.
Trong khi đó, bản thân các khách hàng này vẫy xe ngang đường không thông qua ứng dụng Grab lẽ ra tài xế phải đặc biệt lưu tâm đến các đối tượng này để tự phòng vệ hoặc từ chối phục vụ thì đã không có vụ án mạng xảy ra.
Bởi như nhận định của Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định căn cứ các tình tiết vụ án được ghi nhận, hai nghi can đã bàn bạc với nhau từ trước, chuẩn bị hung khí rồi lên kế hoạch thuê xe đến vị trí vắng vẻ để sát hại tài xế, cướp tài sản.
Vai trò các công ty Grab, Go-Viet... thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc xe ôm, thậm chí lái xe taxi, bị đối tượng cướp tài sản nhắm đến là chuyện đã diễn ra nhiều năm nay.
Những người lái xe này sẽ điều khiển xe theo cung đường, tuyến đường, lộ trình do khách hàng yêu cầu. Bởi vậy, người lái xe sẽ không chủ động được tình thế, khó kiểm soát được an toàn khi khách hàng là những đối tượng có mục đích giết người, cướp tài sản, đặc biệt là những chuyến xe đến những nơi vắng vẻ hoặc trong đêm tối.
Trong khi đó, khách hàng của hoạt động dịch vụ vận tải này rất đa dạng, nhiều thành phần, trong đó không ít những đối tượng nghiện ngập, túng quẫn, khi tình huống thuận lợi, thời cơ xuất hiện thì rất dễ nảy sinh ý định giết người để chiếm đoạt phương tiện là ô tô, xe máy hoặc những tài sản có giá trị của người lái xe.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh như Grab, Go-Viet trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho các lái xe trong trường hợp gặp phải những tình huống có vấn đề; Cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ lộ trình của các chuyến xe.
Trong trường hợp nghi ngờ tình huống lái xe bị cướp thì doanh nghiệp vận tải phải kịp thời có tình huống xử lý và trình báo phải phối hợp với cơ quan công an để sớm phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật; Cần phải đảm bảo quyền lợi của người lái xe về việc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác khi tai nạn, rủi ro xảy ra.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)