Những năm gần đây phong trào chơi lan, đặc biệt là lan Var (lan đột biến) nở rộ trên cả nước. Song, vài năm trở lại đây dư luận đang đặt nghi vấn về việc nhiều nhà vườn đang cố tình làm chiêu trò để đẩy giá lan Var lên mức không tưởng.
Gần đây nhất, một vườn hoa ở Quảng Ninh gây xôn xao dư luận khi rầm rộ quảng bá trên Facebook lễ giao dịch lan Var trị giá lên đến 250 tỷ đồng.
Không biết thực hư giao dịch này đến đâu, song dư luận đặt câu hỏi vậy những giao dịch lan Var lên đến 250 tỷ như vậy có phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước? Người bán lan sẽ phải đóng thuế bao nhiêu? Nhà nước đã thu được thuế từ những thương vụ giao dịch trăm tỷ thế nào chưa?
|
Sự kiện giao dịch lan Var bị đẩy lên đến mức giá 250 tỷ đồng khiến dư luận đặt ra nhiều ghi vấn. |
Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý về vấn đề trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật Trung Hoà (Đoàn LSTP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: T
rong trường hợp thương vụ chuyển nhượng nêu trên là thật thì bản chất việc chuyển nhượng này không vi phạm pháp luật. Chậu hoa lan 45 tỷ hay 250 tỷ là hàng hóa bình thường, việc các bên tự định giá và không bị phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan giám định nào cả. Đây là giao dịch hàng hóa tự do bình thường, người có hàng bán, người có nhu cầu thì mua.
Tuy nhiên, giá trị của các cây hoa lan này là do các bên tự thỏa thuận và trao đổi, dựa trên nhu cầu của các bên và chất lượng của lan. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ khi không có cơ quan nào xác định chất lượng của Lan.
"Các bên thường tự đưa ra các căn cứ chứng minh về chất lượng của lan, từ đó làm căn cứ xác định giá trao đổi. Pháp luật không quy định bắt buộc phải có cơ quan nào phụ trách xác định việc này. Vì thế, sẽ tạo nhiều cơ hội cho các đối tượng gian dối để thu lời cao hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác.
Cũng đã có nhiều trường hợp rơi vào cảnh mất tiền oan vì “treo đầu dê bán thịt chó”, tuy rằng có căn cứ để bảo vệ quyền lợi nhưng quá trình cũng rất vất vả và gian nan. Đây là điểm rất đáng lưu ý cho những người có niềm đam mê chơi lan" - luật sư Tùng nói.
Về các giao dịch mua bán có xác định nêu trên, theo luật sư Tùng, nếu xác định thuộc các trường hợp phải đóng thuế thì phải được đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Luật sư phân tích: "Trường hợp chủ cây lan đấy là cá nhân kinh doanh thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán là người nông dân, giò lan đáp ứng đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Còn trường hợp nữa, nếu xác định đó là tài sản, người bán tài sản (ở đây không phải là bất động sản) thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.
Một trường hợp khác nữa, nếu nhà vườn đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp thì đương nhiên phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng
Đối với trường hợp cuộc chuyển nhượng nêu trên không phải sự thật thì việc thu thuế không đặt ra bởi giao dịch này không có thật. Trường hợp có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của người khác thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật."
>>>> Xem thêm video: Cận cảnh chậu hoa lan giá 5 tỷ đồng tại Lâm Đồng.