Ngỡ ngàng đến choáng ngợp là cảm giác khi bước chân vào khu vườn như cổ tích của anh chị Dũng - Hương. 8 cây nhãn cổ thụ đang nở rực rỡ hàng nghìn vòi hoa lan phi điệp tím tuôn dài như suối từ trên ngọn cây xuống đến gốc khiến người ta cảm giác đang lọt vào một chốn thần tiên. Hương hoa quất quýt trong tán nhãn tỏa xuống khắp khu vườn, vương mãi trên vai người thưởng hoa...
|
Hương sắc hoa lan phi điệp tím níu chân người yêu hoa trong khu vườn cổ tích của người cựu chiến binh Bùi Văn Dũng. |
Suối hoa phi điệp tím làm nên vườn cổ tích
Trò chuyện về lịch sử vườn phong lan, anh Dũng bảo những cây nhãn này do bố vợ anh trồng từ hơn bốn chục năm trước. Ngày ấy anh mới về đây, nhiều nhà trong xóm thấy cây nhãn cổ không có hiệu quả nên chặt bán. Nhưng anh không bán, quyết giữ những cây nhãn như giữ một kỷ niệm cho gia đình.
Khởi đầu chỉ là một vài nhánh lan nhặt ở bìa rừng mang về ghép lên cây. Qua hơn 2 chục năm âm thầm tỉ mỉ nhân, ghép, anh đã có vườn lan độc đáo như hiện nay.
|
Những chùm hoa lan phi đắm say lòng người trong vườn cổ tích. |
Hỏi anh Dũng tại sao lại chỉ toàn phi điệp tím? Anh trả lời, do sở thích riêng thôi. Phi điệp tím có cái đẹp rất quyến rũ. Khi chưa ra hoa, những chồi cây xanh mướt lá từ gốc đến ngọn rủ xuống, mượt mà như mái tóc người thiếu nữ. Đến mùa hoa mỗi chiếc lá rụng đi, lại đơm những chùm bông tím ngắt, ngát hương khiến người ta mê mẩn. Thêm nữa, lan phi điệp tím Tuyên Quang là loài đặc hữu, có ưu điểm tươi cả tháng trời, hương thơm đậm rất đặc trưng, lại sai bông nên cả vườn 8 gốc nhãn cổ thụ chỉ toàn Phi điệp tím.
|
Ông Bùi Văn Dũng phải mất 40 năm trồng, giữ những cây nhãn cổ thụ và mất hơn 20 năm gây dựng vườn lan phi điệp tím. |
Để có những suối hoa tuyệt mỹ như hiện tại, vợ chồng anh Dũng đã mất không ít tâm sức tìm hiểu qua các tài liệu và mày mò nắng mưa bên từng gốc nhãn. Khi cành nhãn quá um tùm, phải ghép thang lên tận ngọn cây để tỉa bớt tán lá lấy ánh sáng cho lan. Lan sống cộng sinh vào nhãn nên muốn hoa khỏe thì cây chủ phải khỏe. Gốc nhãn nào cũng được anh chị phủ mát đất phù sa, cùng với bón tưới định kỳ theo quy trình chăm sóc nhãn nghiêm ngặt anh nghiên cứu từ Viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhất cử lưỡng tiện, vườn nhãn sai quả, những suối hoa lan cũng cứ dài thêm mãi, nhiều vòi hoa dài đến gần 2 mét.
Điều đáng trân trọng ở anh Dũng là trồng lan không phải để kinh doanh, cũng không để làm dịch vụ, mà chỉ vì yêu hoa. Mấy năm cầm súng nơi chiến trường biên giới Tây Nam, rồi tham gia quân tình nguyện bên Cam pu chia, anh thấu hiểu sự khốc liệt của nơi súng đạn. Giờ anh anh được trở về sống trong hòa bình, cả 2 vợ chồng đã được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, anh chị trồng cây, trồng hoa như để dung hòa sự khốc liệt một thời ấy, hơn nữa còn khiến cho đời thêm vui, thêm đẹp...
Người phòng xa cho "sơn nữ" đặc hữu
Nhiều năm gần đây thấy thiên hạ mua bán lan rầm rộ, anh Dũng lo chả mấy chốc mà Tuyên Quang cạn kiệt một loài lan đặc hữu. Nên việc nhân ghép lan lên những cây nhãn cổ thụ của anh như một cách bảo tồn loại phi điệp tím vừa quý vừa đẹp của núi rừng Tuyên Quang. Nghe những lý giải giản dị mà sâu xa ấy, rồi lại ngước lên những vòm nhãn cổ thụ đang lộng lẫy suối hoa lan duyên dáng, càng thấm thía câu thành ngữ "nuôi cây dưỡng thần". Ấy là cái thần thái, phong độ, cốt cách của người trồng cây đã mấy chục năm, rất sâu sắc mà tao nhã.
Anh Dũng kể năm trước đã từng bị lan tặc vào bóc trộm gần hết số phi điệp trên cây nhãn trước cửa. Anh bỏ tiền xây tường rào, cổng sắt kiên cố kèm thêm các biện pháp bảo vệ. Anh nói giọng trầm mà kiên quyết, vườn lan luôn mở cửa với những người yêu hoa lan nhưng dứt khoát không tha thứ người nào có tà tâm, phá hoại. Chắc sợ sự kiên quyết ấy, nên thỉnh thoảng cũng thấp thoáng bóng lan tặc, nhưng bọn chúng đều rất gờm ông chủ là cựu chiến binh đã từng chiến đấu nơi chiến trường Tây Nam năm nào.
Những ngày này phi điệp tím đang nở rộ. Hữu xạ tự nhiên hương, vườn lan nhà anh Dũng luôn nườm nượp khách đến chiêm ngưỡng. Gác việc ruộng vườn, anh chị lại cùng khách yêu lan chuyện trò về thú chơi vô cùng tao nhã. Rằng mặt hoa vui thì cánh cong thế nào, họng hoa đen thì quý phái ra sao, may mắn gặp nhánh đột biến thì như trúng độc đắc...
Học anh Dũng, mấy năm nay một số gia đình trong thôn Hàm Ếch cũng bắt đầu ghép lan lên thân nhãn vườn nhà. Nhiều vòi hoa đã dài cả mét, hoa lác đác như đàn bướm xinh tim tím trên các tán lá xanh. Có nhà còn đặt cả xích đu, mắc võng dưới gốc nhãn để lúc rảnh việc ruộng vườn ngả lưng ngắm hoa, quên hết nắng nôi, mệt nhọc.
Lưu luyến rời vườn lan với hương hoa vương vấn như cổ tích, tôi thầm ước một ngày không xa nơi này sẽ là một điểm đến thật nhiều ấn tượng cho du khách. Khi ấy, sẽ có thêm nhiều người cùng thưởng thức cái đẹp và góp phần cho vườn lan ngày càng tỏa sắc hương.