Đưa Vietnam Airlines thành tập đoàn hàng không lớn trong khu vực

Google News

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, Vietnam Airlines thể hiện rõ nét vai trò đi đầu, chủ lực và dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 10/11, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”.
Vai trò mở đường và dẫn dắt của Vietnam Airlines
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: “Trong số các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines là một trong số ít có cơ hội lớn để vươn lên trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh ngang tầm khu vực nhờ năng lực quản trị tốt, bề dày kinh nghiệm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, Nhà nước cần có sự đầu tư tương xứng cả về nguồn lực tài chính và cơ chế chính sách để Vietnam Airlines có thêm lực đẩy phát triển”.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đánh giá, để trở thành một trung tâm mới về kinh tế, du lịch tầm cỡ tại Châu Á và trên thế giới, Vietnam Airlines rất cần đầu tư trọng điểm để có một doanh nghiệp hàng không đủ lớn mạnh, với quy mô mạng bay, đội tàu bay đủ lớn để cạnh tranh với các trung tâm khác trong khu vực.
Dua Vietnam Airlines thanh tap doan hang khong lon trong khu vuc
Hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp đưa Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines phát triển.
Chia sẻ về vai trò và sứ mệnh của Vietnam Airlines, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với vị thế là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, Vietnam Airlines đã thể hiện vai trò và những đóng góp không chỉ trong việc phát triển hoạt động thương mại vận tải hàng không mà còn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, đồng thời tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm trong các hoạt động xã hội.
Trong hoạt động kinh doanh thương mại, Vietnam Airlines thể hiện rõ nét vai trò đi đầu, chủ lực và dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước. 
Theo Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Dự báo đến năm 2035, thị trường hàng không Việt Nam (bao gồm nội địa và quốc tế) đạt khảng 150 triệu khách, xấp xỉ 1,9 lần so với quy mô năm 2019 và đạt 200 triệu khách vào năm 2040 (tăng 2,4 lần so 2019).
“Trong kỷ nguyên mới, ngành hàng không Việt Nam càng mở ra nhiều tiềm năng và còn rất nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa để trở thành một trung tâm hàng không lớn trong khu vực”, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết.
Dua Vietnam Airlines thanh tap doan hang khong lon trong khu vuc-Hinh-2
Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu  tại hội thảo. 
Nhìn nhận cơ hội phát triển thị trường hàng không Việt Nam, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, hiện tổng thị trường khách nội địa Việt Nam hiện nay đạt khoảng trên 40 triệu lượt khách/năm, tương đương tỷ lệ trung bình 10 người dân Việt Nam mới có 4 người bay 1 lần trong năm. Trong khi tỷ lệ này ở các nước có thị trường hàng không phát triển là 1:1 - hoặc cao hơn.
Đối với thị trường khách quốc tế, năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu), Thái Lan (28 triệu), Singapore (13,6 triệu). Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, hiện Việt Nam vẫn chỉ đón lượng khách quốc tế chưa bằng 1/2 so với 2 nước dẫn đầu trong khu vực.
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới trong các thập kỷ tiếp theo và cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nhanh nhất: 5,3%/năm - tới năm 2040, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu là 3,8%/năm, và sẽ chiếm hơn 60% lượng khách tăng thêm trên toàn cầu tới năm 2040. Riêng với thị trường hàng không Việt Nam, các tổ chức dự báo quy mô tổng thị trường tới năm 2040 sẽ tăng 2,5 - 3 lần so với quy mô hiện tại, đạt xấp xỉ 200 triệu lượt khách quốc tế và nội địa/năm”, ông Đặng Ngọc Hòa thông tin.
"Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và vận hội mới để phát triển đột phá về mọi mặt. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng không dân dụng, mà trong đó, Vietnam Airlines - Hãng hàng không quốc gia, lực lượng vận tải chủ lực của Việt Nam - giữ vai trò then chốt, chủ đạo đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới", ông Đặng Ngọc Hòa nhận định.
Cần tạo thể chế phục hồi và phát triển
Tại hội thảo, đại diện Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, sau hơn hai năm bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch COVID-19, với các giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và những nỗ lực, cố gắng của Vietnam Airlines, cùng sự khởi sắc của thị trường hàng không, sang năm 2023 và 2024, hoạt động khai thác vận chuyển hàng không và sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đã có những tín hiệu hồi phục tích cực.
Trong năm 2024, sản lượng vận chuyển 9 tháng đầu năm của Vietnam Airlines đạt xấp xỉ 17 triệu hành khách, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, và đạt mức lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng ghi nhận trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của Chính phủ trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines với tư cách là cổ đông lớn nhất chiếm 86,19% vốn điều lệ, nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của hãng hàng không quốc gia.
Một trong các giải pháp đó là gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng thông qua hình thức: vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng; Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu tăng vốn với quy mô xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư vào Vietnam Airlines.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, việc giải ngân được gói 12.000 tỷ đồng đã giúp Vietnam Airlines thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh dòng tiền thâm hụt lớn, không có khả năng chi các khoản nợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhờ có gói hỗ trợ này đã tạo niềm tin cho các chủ nợ, đặc biệt là các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp bảo dưỡng sửa chữa tàu bay để Vietnam Airlines đàm phán giãn hoãn thanh toán và giảm giá tiền thuê.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, một trong các dự án trọng điểm quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam chính là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Trong đó, Vietnam Airlines với vai trò Hãng hàng không quốc gia, cũng là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cần phát huy vai trò chủ lực, tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh trong phục vụ chuyên ngành hàng không để xây dựng và phát triển các trung tâm sản xuất linh kiện, bảo trì, bảo dưỡng máy bay, cung ứng các sản phẩm dịch vụ phục vụ chuyến bay, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ... đáp ứng yêu cầu vận hành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
 PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, với các giải pháp xây dựng Vietnam Airlines thành Thương hiệu quốc gia, đại diện cho Việt Nam với năng lực cạnh tranh quốc tế cao để hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, cần tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại thị trường Việt Nam, coi trọng hiệu quả kinh tế bảo đảm lợi ích của các cổ đông đi đôi với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.
Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của ngành hàng không Việt Nam nói chung, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng. Tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không phát triển bền vững thông qua thực hiện cơ cấu lại, cải thiện khả năng thanh toán và xử lý nợ. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng mua thêm máy bay, phát triển đội tàu bay, mở rộng đường bay đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Giải quyết những điểm nghẽn, cản trở phát triển đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Hỗ trợ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đánh giá một cách toàn diện cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành và tác động của nó tới sự phát triển của ngành cũng như của nền kinh tế quốc dân, từ đó xác định những trọng tâm cần hoàn thiện trong giai đoạn tới.
Nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn thực hiện những dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước…
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)