Đốt vàng mã rằm tháng Bảy: Lãng phí... sao không làm việc thiện?

Google News

(Kiến Thức) - Dịp Vu Lan nếu thay vì bỏ ra số tiền lớn để đốt vàng mã, chúng ta có thể dùng số tiền đó chăm lo cho bố mẹ, người thân, đem đi làm việc thiện, hỗ trợ cho gia đình những người có công, người khó khăn…sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Tối ngày 30/8, sau khi cúng rằm tháng Bảy, ông N. trú tại quận Lê Chân (TP Hải Phòng) mang vàng mã ra đốt ngoài vỉa hè. Bụi tro vàng mã bay vào nhà hàng xóm. Vốn có mâu thuẫn từ trước, hàng xóm nhà ông N. là một ông lão 80 tuổi đã cầm ca axit hất vào người ông N. dẫn đến bỏng nặng.
Câu chuyện của ông N. chỉ là một trong vô số những hệ lụy từ việc đốt vàng mã. Thực tế, thời gian qua, tình trạng đốt vàng mã quá nhiều trên cả nước đã mang đến nhiều tác hại như tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan, gây ra những vụ hỏa hoạn, làm ảnh hưởng đến môi trường sống…
Tuy nhiên, tác hại lớn nhất phải nói đến sự lãng phí tiền bạc rất lớn. Chỉ vì quan điểm “trần sao âm vậy”, nhiều người sẵn sàng bỏ số tiền rất lớn mua vàng mã đủ loại từ nhà lầu, xe hơi, đồng hồ, quần áo, ngựa, tivi… thậm chí Covid-19 hoành hành ở dương thế, người ta cũng mua khẩu trang tượng trưng để đốt cho người cõi âm.
Dot vang ma ram thang Bay: Lang phi... sao khong lam viec thien?
Thay vì đốt vàng mã lãng phí nên đi làm việc thiện. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân.
Nếu chỉ tính bình quân, mỗi gia đình đốt khoảng 100.000 đồng/lần, Việt Nam có khoảng 27 triệu hộ dân thì số tiền đốt vào vàng mã cũng lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Con số ước lượng là vậy nhưng con số thống kê cũng cho thấy, bình quân một năm có khoảng 50.000 tấn vàng mã được đốt và chỉ riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên 400 tỷ đồng.
Và cũng hiếm ở nơi đâu, có nhiều làng nghề làm vàng mã, thậm chí người làm vàng mã còn giàu lên trông thấy như ở nước ta.
Nói lãng phí rất lớn, bởi hàng trăm, hàng tỷ đồng bỏ ra đốt vàng mã nhưng thực tế tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc, không thuộc về văn hóa Việt Nam và không phù hợp với tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo.
Mới đây, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, do chưa hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu Lan và giáo lý đạo Phật nên nhiều người đã quan niệm sai lầm khi cho rằng cần đốt nhiều vàng mã trong dịp này.
Theo lý giải của Hòa thượng Thích Gia Quang, lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Thực chất, lễ Vu Lan để giáo dục thế hệ sau đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “ăn quả nhớ người trồng cây,” nhắc nhở con cháu bổn phận ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên…
Đồng thời, cũng là dip tri ân báo ân tới những người có công với đất nước.
Trong dịp Vu Lan con người cần nhất có cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo những hoàn cảnh khó khăn, biết làm việc thiện, tích đức, tu tâm…Do đó, nếu thay vì bỏ ra số tiền lớn để đốt vàng mã, chúng ta có thể dùng số tiền đó vào những việc ý nghĩa hơn như chăm lo cho bố mẹ, người thân, đem đi làm việc thiện, hỗ trợ cho gia đình những người có công, người dân vùng khó khăn, những hộ nghèo, hỗ trợ học sinh đến trường, dựng xây các công trình phúc lợi sẽ thiết thực và hiệu quả hơn rất nhiều.
Bởi suy cho cùng, con người hành lễ dù ở đâu điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Nếu chúng ta làm việc thiện, luôn giúp đỡ những người khác trong gia đình và xã hội thì khi đó những người đã khuất cũng ngậm cười nơi chín suối và bản thân ta cũng cảm thấy an yên. Đốt nhiều vàng mã mà chỉ lo cầu cúng, mặc cả van xin với những người cõi âm phù hộ nhưng cuộc sống thực tế lại không hiếu thảo với bố mẹ, không quan tâm chăm lo đến người thân, không giúp đỡ những người khó khăn thì bản thân con người đó sẽ không bao giờ tìm được những điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Như lời Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA mới đây đã nói, việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay là không cần thiết. Thay vì thời gian, công sức, tiền bạc dành cho lễ bái và đốt vàng mã cầu kỳ, những ngày lễ tết, giỗ chạp, chúng ta hãy dành “tài nguyên” đó để nghỉ ngơi, quan tâm đến những người thân yêu, “nạp năng lượng”, đánh giá rút kinh nghiệm các trải nghiệm trong công việc, cuộc sống và vạch ra kế hoạch đầu tư cho sự nghiệp, tương lai của con cháu.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cũng khẳng định, dịp Rằm tháng 7 còn được coi là mùa Lễ Vu Lan báo hiếu. Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
“Muốn thể hiện đạo hiếu trong mùa Vu Lan, điều quan trọng nhất là con cháu hiếu thảo thực hành những việc hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà đang còn sống, và phát nguyện hồi hướng công đức cho họ khi đã khuất. Nếu không làm được việc đó, thì việc đi lễ chùa, mâm cao cỗ đầy, dâng cúng vàng mã chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời giờ và tiền của” – Tiến sĩ Khanh nói.
Có lẽ để từ bỏ một tâp tục lâu đời đã bén rẽ trong đời sống, ăn sâu vào tiềm thức nên khó có thể cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã trong "một sớm, một chiều".
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi trao đổi với PV Kiến Thức cho biết, cách đây 2 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có quan điểm bằng văn bản khuyên mọi người không đốt vàng mã nữa. Đến giờ dù chưa chấm dứt hẳn do tập quán ăn sâu vào đời sống nhưng có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, kinh nghiệm một số nước châu Á cho thấy, nếu áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và cả đưa ra những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã có thể sẽ hạn chế việc người dân đốt vàng mã với số lượng lớn, tiến tới loại bỏ tập tục này.
Trung Quốc là cái nôi của tập tục đốt vàng mã nhưng đến nay nhiều người dân Trung Quốc đã từ bỏ đốt vàng mã bởi họ coi đó là tập tục lạc hậu, lãng phí, ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường. Một nguyên nhân chính là do chính quyền nhiều thành phố ở Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh; cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã và các đồ tế lễ mang tính mê tín; khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm…Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích người dân từ bỏ tập tục lâu đời này và hướng tới một cuộc sống văn minh nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Do vậy, muốn hạn chế được tình trạng đốt vàng mã nhiều dịp rằm tháng bảy, ngoài các biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân, chính quyền cũng cần có những chế tài mạnh xử lý để người dân có ý thức hơn trong việc đốt vàng mã, tránh lạm dụng gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Lễ Vu Lan: Đốt vàng mã không phải là báo hiếu?

Mô tả video


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)