Thứ trưởng Vương Duy Biên: Đây là một tư duy "cách mạng"
Mới đây, công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.
|
Đốt vàng mã quá nhiều đã trở thành "tệ nạn" ngày một gia tăng. Ảnh Internet |
Khi đọc được thông tin, Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", với tư cách cá nhân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng: "Giáo hội Phật giáo đưa ra công văn như vậy là một tư duy cách mạng. Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng.
Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nên nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu".
Xét trên nhiều góc độ của đời sống xã hội, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng đưa ra một vài ý kiến băn khoăn, ông chỉ rõ: "Nếu việc cấm đốt vàng mã được thực thi sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực, nhất là các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa làng nghề, bởi rất nhiều nơi người dân đang sống bằng nghề làm vàng mã và những đồ thờ cúng. Tôi nghĩ có thể thực hiện việc cấm đốt vàng mã ở một số nơi và quy mô đưa ra như thế nào cho hợp lý, bởi bỏ đi một tục lệ đã ăn sâu vào văn hóa của người dân hàng ngàn đời thì rất khó.
Trên thực tế cuộc sống cũng khó để thực thi nhưng đây là một kiến nghị nhân văn vì xã hội, vì cộng đồng. Nếu như làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác dân vận thì tôi nghĩ cái gì có lợi cho cuộc sống, có lợi cho dân, thì dân sẽ ủng hộ".
|
Đốt vàng mã cháy ngùn ngụt ở sân đền thờ Mẫu Đồng Đăng ngày 5 Tết Mậu Tuất. Ảnh Internet |
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Cái gì cũng nên có chừng mực
Qua thông tin trên báo chí, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng đưa ra quan điểm của mình rằng: "Đốt vàng mã không phải tự nhiên mà có. Đốt vàng mã là một tục lệ có từ rất lâu đời mà đã là phong tục thì nó có lý do để tồn tại. Ngày Tết, chỉ cúng không thôi mà không đốt chút vàng mã thì sẽ cảm thấy nó thiếu, không trọn vẹn vì tôi quan niệm đốt vàng mã như đường linh, qua ngọn lửa kết nối giữa người sống và người chết rất ấm cúng.
Hiện nay vấn đề đốt vàng mã đang làm quá trở thành mê tín, thì không hay chút nào. Có nơi tôi thấy đốt cả một cái nhà to gần như nhà thật, rồi đủ cả ô tô, xe máy thì nó đang gây nên nhiều hệ lụy. Như kiểu hàng ngày thì phải ăn cơm, nhưng ăn nhiều bội thực thì sẽ chết.
Tất cả mọi cái nên có chừng mực, Giáo hội Phật giáo nên vận động để bà con hiểu và thực thi ở một mức độ nào đó thì cũng rất khó vì Giáo hội chỉ ra quyết định trong phạm vi Giáo hội chứ không thể ra quyết định cho nhân dân được mà phải vận động có lý có tình để người dân tự ý thức được việc đó.
Giáo sư Lê Văn Lan: Không ảnh hưởng đến tâm linh
Liên quan đến tục đốt vàng mã ở góc độ lịch sử và văn hóa, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: "Tục đốt vàng mã tiền thân là tục lệ cung cấp các vật tư, hàng hóa cho người chết mang sang thế giới bên kia xuất hiện từ thế kỷ thứ 4, thứ 5 trước công nguyên. Tôi đã tự tay cùng các đồng nghiệp khai quật được ở những ngôi mộ những vật dụng mà người ta chia cho người chết mang sang thế giới bên kia, có những vật dụng được thu nhỏ lại và không đắt giá lắm, thậm chí có những vật dụng người ta làm hòng cốt chỉ để chia phần. Sau này, người ta làm giả những vật dụng như thế bằng vàng mã...
Phật giáo là một tôn giáo phát triển mạnh, nếu Trung ương giáo hội Phật giáo vào cuộc một cách chính thức như thế này thì họ có đầy đủ điều kiện huy động sức mạnh của chính các tổ chức Giáo hội sẽ thực hiện được, bởi việc cấm đốt vàng mã không làm ảnh hưởng gì đến yếu tố tâm linh mà sẽ góp phần tránh được tổn hại về mặt kinh tế, môi trường, người dẫn đỡ xa đà vào mê tín, mông muội.
Với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. Một số người vì quá thương tiếc người thân đã sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp Lễ, Tết để người chết sử dụng ở cõi âm. Tuy nhiên, tục đốt vàng mã ngày một biến tướng với đủ hình thái làm cho đời sống tâm linh trở nên hỗn tạp, không còn đủ sự tôn kính.