Đốt pháo nổ, hai anh em ruột bị phạt 3.5 triệu đồng

Google News

Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt 3,5 triệu đồng đối với trường hợp của 2 anh em ruột đốt pháo hoa nổ trên địa bàn.

Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu, sử dụng pháo nổ diễn biến phức tạp, nhất là khi Nghị định số 137 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
Nghị định 137 gồm bốn chương, 26 điều nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo; các trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ; thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ; cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo,…
Do không hiểu đúng tinh thần Nghị định, một số cá nhân cho rằng, từ ngày 11/1/2021 khi Nghị định số 137 có hiệu lực sẽ được đốt các loại pháo.
Đơn cử như tối 4/2, Công an huyện Sóc Sơn phát hiện trên địa bàn xã Tiên Dược đang có tiếng pháo nổ. Nơi tiếng pháo nổ được xác định là tại gia đình anh N.Đ.H (trú tại xóm 7, thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn).
Dot phao no, hai anh em ruot bi phat 3.5 trieu dong
Đốt pháo hoa nổ, 2 anh em ở Hà Nội bị phạt 3,5 triệu đồng. (Ảnh: Báo Thanh tra) 
Tại hiện trường cơ quan công an đã thu giữ 1 vỏ pháo loại 36 quả trong nhà anh H. Bước đầu, anh H. khai nhận sau khi ăn tối, em trai là N.Đ.N đã lấy 1 hộp pháo hoa nổ trong cốp xe máy và đưa cho anh H. đốt.
Căn cứ điểm b Khoản 2, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, Công an huyện Sóc Sơn đã ra quyết định xử phạt anh N.Đ.H và N.Đ.N về hành vi Sử dụng các loại pháo mà không được phép với mức phạt 3,5 triệu đồng. 
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo nghị định mới, pháo hoa là loại pháo chỉ phát sáng chứ không gây ra tiếng nổ. Ví dụ, pháo bông, pháo điện, pháo phụt, que hương phát sáng,... hoặc pháo khi bắn lên trời không gây ra tiếng nổ mà chỉ toé sáng.
Dù người dân được phép đốt pháo hoa song việc sử dụng pháo nổ hoặc pháo hoa nổ (loại nằm trong pháo nổ) vẫn bị nghiêm cấm.
Dot phao no, hai anh em ruot bi phat 3.5 trieu dong-Hinh-2
Pháo hoa tầm cao ở Hồ Gươm. (Ảnh: Vnexpress) 
Với quy định mới, không có nghĩa là người dân được đốt pháo thoải mái mà phải có đủ năng lực hành vi dân sự và đốt đúng loại, đúng thời gian. Năng lực hành vi dân sự được hiểu đơn giản là người đủ từ 18 tuổi trở lên, không bị các vấn đề về tâm lý dẫn đến mất nhận thức hay không làm chủ được hành vi, luật sư Cường giải thích.
Tổ chức, cá nhân chỉ được đốt pháo mua tại các tổ chức doanh nghiệp có giấy phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Khi đốt pháo trái phép, hầu hết người mua sẽ vi phạm thêm quy định: tàng trữ, mua pháo, thuốc pháo… nên có thể bị xử phạt hành chính về hành vi này lên đến 10 triệu đồng nữa. Tổng hợp mức phạt lên đến 12 triệu đồng.
Các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo. Bên cạnh đó, người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc Cố ý gây thương tích theo Bộ luật hình sự 2015.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Một thanh niên bị nổ nát mặt do sử dụng pháo tự chế 

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp

Ánh Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)