Nằm sâu trong con ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, “xóm chạy thận” là những dãy nhà cấp bốn tối tăm, ẩm thấp. Cả xóm có tổng cộng 131 người, họ đều là những bệnh nhân mắc bệnh thận. Mỗi người một quê, quây quần thành một xóm trọ ở gần bệnh viện Bạch Mai để dễ dàng cho việc điều trị tại bệnh viện.
Những ngày này, khi dịch COVD-19 đang diễn biến phức tạp, trên khuân mặt ai nấy cũng đều hốc hác, đôi mắt cuồng thâm, chốc chốc lại đưa cái nhìn xa xăm, ẩn sâu trong đó là nỗi lo về một tương lai mờ mịt đang chờ đợi phía trước. Giờ đây, các công việc mưu sinh hàng ngày của họ đều phải tạm gác lại vì dịch bệnh.
Ở xóm chạy thận trước đây vẫn nhiều bệnh nhân vẫn phải tự mình bươn trải, gồng mình làm việc. Họ làm đủ các thứ nghề như từ đánh giày, bán nước, cho đến chạy xem ôm... chỉ mong có thể kiếm được chút tiền ít ỏi để trang trải cho cuộc sống.
|
Hiện lối vào của xóm chạy thận đang được kiểm soát nghiêm ngặt trước tình hình dich bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp. |
Anh Hoàng Văn Tuấn (46 tuổi) cho biết, trước khi dịch bệnh chưa diễn ra, anh ra đầu ngõ làm xe ôm, nhưng từ khi dịch bệnh, anh Tuấn và những người trong xóm đều phải gác lại công việc mưu sinh của mình.
“Tháng tôi kiếm được 2 – 3 triệu đồng từ việc chạy xe ôm, công việc vừa là để trang trải cho cuộc sống trên này, vừa để vận động cho khỏe khoắn người sau những lần chạy thận. Nhưng từ khi dịch COVD-19 diễn biến phức tạp tôi phải nghỉ”, anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Anh Tuấn, không chỉ anh mà nhiều bệnh nhân khác trong xóm chạy thận đang hết sức lo lắng, bởi tới đây tất cả chi phí sinh hoạt sẽ phải trông cậy vào gia đình ở quê gửi lên.
|
Xóm chạy thận là những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp. |
Bà Phan Thị Tảo (60 tuổi) – bệnh nhân đã chạy thận 13 năm, với bà xóm chạy thận như ngôi nhà thứ 2, bà Tảo tâm sự: “Nhiều người ở xóm phải làm đủ các thứ nghề, nào là bán nước trong bệnh viện, nhặt ve chai, làm xeôm... miễn sao có được tiền. Vài năm trước tôi cũng đi bán nước trong bệnh viện, nhưng giờ sức khỏe không còn tốt nữa nên đành phải nhờ cậy gia đình gửi tiền lên.
Nhưng có những người không may mắn như tôi, người thân họ không có hoặc điều kiện hoàn cảnh khó khăn, họ phải tự mưu sinh để vừa lo miếng cơm manh áo trên này, vừa lấy tiền thuốc men điều chị bệnh tật”.
Một bệnh nhân khác cũng chia sẻ, một tuần phải chạy thận ba buổi, mỗi tháng cả tiền phòng trọ, thuốc thang, điều trị lên đến 5 triệu đồng. Để có tiền, thỉnh thoảng anh phải đẩy xe lăn thuê cho những người bệnh khác từ xóm trọ lên bệnh viện để điều trị. Cả đi, cả về lên bệnh viện với quãng đường là 3km, một tháng cũng chỉ đẩy thuê được hơn chục buổi.
|
Nhiều người ở xóm chạy thận lo lắng khi tới đây không biết lấy tiền đâu ra để lo chi phí sinh hoạt, thuốc men. |
“Lợn gà, lúa gạo nào mà một tháng bán được ra ngay, chưa được bán đã phải lo tiền cho thuốc thang, sinh hoạt ở trên này. Tôi còn chút sức thì cũng phải cố gắng làm thêm để phụ giúp cho người thân mình bớt đi gánh nặng, nhà cũng chả giàu có, dư dả gì rồi. Bao năm qua, số tiền điều trị của tôi tính ra đã mất cả vài đàn trâu rồi chứ ít ỏi gì. Giờ dịch bệnh thế này không biết lấy tiền đâu...”, bệnh nhân này lo âu.
Theo anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận cho biết: “Mặc dù, công việc làm thêm không được nhiều, nhưng cũng phần nào giúp những người trong xóm trang trải cuộc sống, đỡ đần cho gia đình. Nhưng hầu như từ ra Tết đến giờ không đi làm được nữa vì bệnh dịch COVID-19”, anh Tuấn nói.
>>> Xem thêm video: Bản tin Toàn cảnh phòng chống dịch COVID-19 ngày 31/3/2020