“Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xem xét, quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS tiếp tục nghỉ từ 1 đến 2 tuần (học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2/3/2020)” – đề nghị của Bộ GD&ĐT trong công văn 586 ngày 27/2 đang nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho rằng, việc cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học thêm 1 đến 2 tuần là rất cần thiết để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo ý kiến của chị Lan Anh, thời gian qua, với sự chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh khi 14 ngày qua không có trường hợp nhiễm mới và cả 16 người nhiễm bệnh đều đã được chữa trị khỏi.
|
Nhiều phụ huynh ủng hộ việc cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học thêm 1 đến 2 tuần. |
Tuy nhiên, hiện tại nhiều nước, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran và một số quốc gia. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chống dịch như một cuộc chiến, chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng còn cả một cuộc chiến vì tình hình dịch rất phức tạp”.
“Do vậy, theo tôi việc cho học sinh từ THCS trở xuống nghỉ học thêm 1, 2 tuần nữa là đề nghị đúng đắn của Bộ GD&ĐT để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh, tránh lây nhiễm bệnh trong môi trường học đường”, chị Lan Anh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, chị Trần Mai Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bản thân chị ủng hộ đề xuất cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học thêm một thời gian của Bộ GD&ĐT và hi vọng các tỉnh, thành địa phương cân nhắc việc này.
“Con nghỉ học trong thời gian dài dù biết không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của con khi không được đến trường mà phải ở nhà nên chán nản. Để con cái thoải mái, gia đình tôi đã thực hiện những “cuộc di cư” cho con về quê chơi nhưng vẫn không thực sự yên tâm”, chị Mai Phương nói.
Tuy nhiên, chị Phương cho rằng, tại thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia như hiện nay, việc đến trường ở thời điểm này vẫn khiến phụ huynh lo lắng.
“Nếu dịch bệnh xuất hiện trong nhà trường thì tốc độ lây sẽ rất khủng khiếp, hơn nữa trong độ tuổi này các con còn nhỏ, chưa đủ khả năng để tự bảo vệ bản thân”, chị Mai Phương nói.
Dù ủng hộ đề nghị của Bộ GD&ĐT cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS tiếp tục nghỉ từ 1 đến 2 tuần, tuy nhiên, anh Nguyễn Hoàng Nam (Hải Dương) vẫn chưa thực sự yên tâm.
Theo anh Nam, nội dung công văn của Bộ GD&ĐT cho thấy, Bộ chỉ đề nghị còn quyết định chính vẫn là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khi căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xem xét, quyết định cho học sinh nghỉ học.
“Là một phụ huynh có hai con trong độ tuổi từ mầm non đến THCS, tôi rất đồng tình với việc cho học sinh nghỉ thêm 1, 2 tuần để tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh và tôi nghĩ nhiều phụ huynh ở các tỉnh thành đều có suy nghĩ giống tôi. Do vậy, mong muốn lãnh đạo các địa phương cho các em học sinh được tiếp tục nghỉ học. Bởi như Thủ tướng mới đây đã nói, nguy cơ còn cao, tình hình dịch ở nhiều nước diễn biến phức tạp. Dù đã ngăn chặn hiệu quả, không có ca nhiễm mới, tất cả trường hợp mắc đều khỏi bệnh, xuất viện nhưng chúng ta không được chủ quan. Do vậy mọi quyết định cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, sức khỏe của con người là quan trọng nhất, đặc biệt là các em học sinh”, anh Nguyễn Hoàng Nam nêu ý kiến.
Chị Nguyễn Thị Mai, một phụ huynh khi nêu ý kiến về việc cho học sinh nghỉ học nói rằng bản thân chị hoàn toàn ủng hộ đề nghị này.
Theo chị Mai, thời gian qua, các trường học đã tiến hành các biện pháp phòng dịch cần thiết, tiêu trùng khử độc nhiều lần, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo người học đến trường an toàn. Đồng thời, việc nghỉ học quá dài sẽ ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo…
Tuy nhiên, đối với các học sinh mầm non đến trung học cơ sở, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc cho các em nghỉ học là chủ trương đúng đắn.
“Ở nhà, các con cũng đòi đến trường và luôn hỏi tôi khi nào được đi học. Là một người mẹ tôi cũng mong con cái ngày ngày đến trường. Tuy nhiên, trong tình cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát, các con còn quá nhỏ để có thể tự thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như người lớn. Trường học của con tôi đa số học sinh từ các địa phương đến học nên cũng rất lo lắng. Bởi lớp học 30 học sinh, một cháu không may nhiễm bệnh thì những học sinh khác có nguy cơ bị ảnh hưởng. Do vậy tôi ủng hộ cho các học sinh nghỉ học thêm một thời gian nữa”, chị Mai nêu ý kiến.
Nêu ý kiến về việc, học sinh THPT trở lại trường từ ngày 2/3, chị Bùi Thị Hoàng cho rằng, bản thân chị hoàn toàn yên tâm dù con chị sẽ tiếp tục học trong thời gian tới.
“Con tôi và các học sinh THPT đều đã lớn, có ý thức và tự chăm sóc được bản thân nên việc cho đi học trở lại là cần thiết để tránh ảnh hưởng tới việc học tập, thi cử của các em, nhất là kỳ thi Tốt nghiệp THPT đang đến rất gần. Dù học tại nhà nhưng kiến thức cũng không thể đầy đủ, không thể tập trung như học trên lớp học”, chị Hoàng nói.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để bàn và chỉ đạo về phòng chống COVID-19 sáng 27/2, nêu ý kiến về việc đi học trở lại của học sinh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề này do Bộ trưởng GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét trong các khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ đã công bố. Bộ GD&ĐT thảo luận với địa phương để xử lý vấn đề hiệu quả nhất, tốt nhất để đưa ra thời gian học sinh đi học trở lại cụ thể.
>>> Mời độc giả xem video Bộ GD&ĐT đề nghị học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.