Nguy cơ tuyệt chủng dược liệu tự nhiên
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế chiều 14/6, ĐBQH - Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 (Hà Giang) - nêu vấn đề về việc thương nhân Trung Quốc đặt mua hết dược liệu tự nhiên của Việt Nam mọc trong rừng.
“Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hôm nay là Bộ trưởng Bộ Y tế đều đề cập đến vấn đề phát triển cây dược liệu. Từ khi chúng ta bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1991 đến nay kéo dài đã 26 năm, nhưng thương nhân Trung Quốc đặt mua hết dược liệu tự nhiên của chúng ta mọc trong rừng. Dân khai thác, thu gom bán hết cho Trung Quốc, hiện nay loại đó có nguy cơ tuyệt chủng”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.
|
ĐBQH - Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (Hà Giang). |
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò đặt câu hỏi: “Không biết Bộ trưởng Bộ Y tế có biết vấn đề này không? Nếu biết thì tới đây, Bộ trưởng có giải pháp nào tham mưu cho Chính phủ để bảo vệ các dược liệu quý hiếm của chúng đang mọc tự nhiên trong rừng?”.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Sùng Thìn Cò, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Với dược liệu, chúng tôi đã có đề án về xây dựng các vườn quốc gia về bảo tồn các giống dược liệu quý hiếm”.
Kinh doanh thuốc đông y, cổ truyền hỗn loạn, thả nổi về giá cả và chất lượng
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo phản ánh của cử tri, hiện nay việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc cổ truyền còn rất hỗn loạn, thả nổi về giá cả và chất lượng, trong khi đó, công tác quản lý còn rất nhiều bất cập.
“Nhiều cơ sở kinh doanh khám, chữa bệnh, bán thuốc không phép, 80 - 85% thuốc hiện nay nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, song cửa khẩu nhập khẩu chỉ kiểm tra được về số lượng và trọng lượng mà không kiểm tra được về chất lượng dược liệu. Công tác đấu thầu dược liệu chưa có hướng dẫn riêng nên hầu hết việc đấu thầu dược liệu là đấu giá mà không có điều kiện rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật như tân dược, dẫn đến tình trạng một số dược liệu không đảm bảo chất lượng, có giá thành rẻ được trúng thầu vào các cơ sở khám, chữa bệnh”, ĐB Nguyển Văn Hiển nêu.
ĐB Nguyễn Văn Hiển đặt câu hỏi: “Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng này trong thời gian tới là gì, khi nào chúng ta kiểm soát tốt được việc nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, đấu thầu loại dược liệu này?”.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, về y học cổ truyền, đại biểu có nói tình trạng đó.
“Đúng là giai đoạn trước có tình trạng đó, nhưng hiện nay Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo về quản lý nguyên liệu và thuốc y học cổ truyền và đã có quyết định là tất cả các thuốc dù đưa vào nhập đường chính ngạch, thực chất có cả nhập không chính ngạch, tức là buôn lậu qua đường biên giới thì đều phải kiểm nghiệm chất lượng thuốc trước khi vào các khoa khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.
Thời gian vừa qua như vậy đã tăng chất lượng khám, chữa bệnh rất nhiều. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Ủy ban 389 của Trung ương cũng như địa phương để xử lý các trường hợp buôn lậu qua biên giới. Chúng tôi tập huấn và tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt rất nhiều trường hợp dùng các thuốc không đảm bảo chất lượng.
Vấn đề đấu thầu về giá thì những thuốc đông y này cũng được đấu thầu theo như nhóm thuốc tân dược. Bởi vì, bảo hiểm thanh toán theo danh mục, các đồng chí thấy bảo hiểm rất chặt để quản lý quỹ nên đấu thầu thuốc ở các đơn vị đó cũng đảm bảo không loạn giá”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
“Còn vấn đề đại biểu nói tăng nuôi trồng và sản xuất dược liệu, cái này ý rất tốt. Vì quan tâm đến dược liệu và phát triển nguồn y học cổ truyền cũng như thuốc tân dược sản xuất từ dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu trong nước để có chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu nuôi trồng sản xuất và tiêu thụ. Trong thực hiện Nghị định 63 về đấu thầu, Bộ Y tế đã ban hành những thông tư gồm có những danh mục, thuốc, sản xuất trong nước và thuốc y học cổ truyền để đấu thầu tập trung ở các mức quốc gia, cấp tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời.
Chảy máu chất xám, ngoại tệ trong việc đi chữa bệnh tại nước ngoài
ĐB Nguyễn Quốc Hưng khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc và cung cấp thuốc cho biết: “Sáng nay, Bộ trưởng nêu lên một số giải pháp để giảm giá thuốc và theo như Chính phủ đưa ra giảm 10%. Giá thuốc dù giảm 10%, thậm 50%, nhất là những giá thuốc nhập khẩu thì cũng rất cao so với khả năng thanh toán của người dân. Tôi xin được hỏi Bộ trưởng có nghĩ tới giải pháp căn cơ, hữu hiệu và cũng khả thi đối với Việt Nam chúng ta. Đó là chúng ta tập trung xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược, ngành công nghiệp y tế Việt Nam để chúng ta có thể sản xuất, cung cấp thuốc vừa tốt, giá rẻ mà ngoài ra còn có thể xuất khẩu được ra nước ngoài”.
ĐB Nguyễn Quốc Hưng cũng đặt câu hỏi: “Ngành y tế và Bộ Y tế đã tham gia tích cực vào trong phong trào vận động, tuyên truyền là người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam hay chưa?”.
Việc đặt câu hỏi trên, ĐB Nguyễn Quốc Hưng lý giải, cần phải có sự vận động, cần có sự giáo dục cũng như tuyên truyền. Nhất là các thầy thuốc khi kê đơn, cấp thuốc nên hướng dẫn người bệnh nhân sử dụng những hàng Việt Nam chúng ta rất tốt. Thực sự, khi bệnh nhân đi khám bệnh, đa số các bác sĩ cũng hay kê đơn giới thiệu mua thuốc nhập.
“Tôi cũng nghĩ phải có vận động bệnh nhân, đặc biệt là người nhà bệnh nhân làm sao khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam chúng ta. Hiện nay, hàng năm có khoảng 2 tỷ đôla của người Việt Nam đi chữa bệnh nước ngoài. Xin Bộ trưởng cũng có sự vận động, tuyên truyền để làm sao chúng ta không bị chảy máu chất xám, ngoại tệ trong việc đi chữa bệnh tại nước ngoài”, ĐB Nguyễn Quốc Hưng nêu vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Đối với vấn đề ưu tiên người Việt dùng thuốc Việt, chúng ta trả lời luôn câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng là Bộ Y tế có đề án là người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt và bình bầu danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt" và nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam sản xuất thuốc dược liệu được bình bầu là "Ngôi sao thuốc Việt" và ưu tiên trong danh sách đấu thầu mua sắm tập trung, mua ở các cơ sở y tế để đưa thuốc Việt cũng như thuốc từ dược liệu và đông y vào”.
“Sắp tới, theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi tăng cường phát triển dược liệu cũng như thuốc đông y. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng của Hà Nội có gợi ý tham luận về phát triển công nghiệp dược, cái này được quy định trong Luật dược và đang nỗ lực kết hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Bộ trưởng Tiến trả lời.