Lại đưa ra cả một rừng luật, không thấy trách nhiệm ở đâu
Chiều ngày 14/6, phát biểu trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các vị đại biểu và các cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động của ngành.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là một dịp tốt để chúng tôi có cơ hội báo cáo những việc đã làm được, giải trình thêm và làm rõ hơn những vấn đề quý vị đại biểu và cử tri cả nước quan tâm cũng như được lắng nghe và tiếp thu ý kiến tâm huyết, những ý kiến, ý tưởng mới và sâu sắc của các vị đại biểu. Đồng thời, thấy được thêm trách nhiệm của cá nhân và đơn vị mình trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Trong phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đề cập đến trong báo cáo của Bộ trưởng, Phần III trả lời về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư là 1 trang, nhưng chủ yếu trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật.
“Những văn bản này đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tra cứu được. Vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương thế nào thì Bộ trưởng không nêu. Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, đại biểu Quốc hội khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu.
“ Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì để khắc phục hạn chế”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến.
Nhận trách nhiệm vì chưa cương quyết, còn nể nang bộ, ngành, địa phương
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc cần phải xem xét lại hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, giải pháp giải quyết tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm phát huy hiệu quả đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết:
“Về sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thời gian trước đây, do hệ thống pháp luật quản lý của chúng ta chưa được chặt chẽ nên hiệu quả của quản lý và sử dụng đầu tư công chưa được đảm bảo, từ đó dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn, thường trước đây gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn. Để khắc phục được tình trạng này thì Luật đầu tư công đã được ban hành và để giảm đi giữa đầu tư dàn trải với những quy trình từ chọn lựa dự án đến phê duyệt dự án, đến thẩm định dự án đã được chặt chẽ hơn để kiểm soát các dự án và tránh dàn trải, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như hiệu quả của nó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Nói về việc giao vốn hàng năm, hiện nay vẫn đang còn chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Việc hướng dẫn của các bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cũng chưa kịp thời và cũng còn chậm, còn có các cách hiểu khác nhau, điều này thuộc trách nhiệm của Trung ương mà trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ nhu cầu lớn, khả năng thu xếp cân đối vốn hạn chế, mất cân đối như vậy nên việc co kéo cũng như là điều chỉnh các phương án khác nhau thì dẫn đến việc giao vốn chậm hơn so với thực tế, từ đó cũng có ảnh hưởng một phần đến giải ngân chậm và cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì ở đây có một câu chuyện, chúng tôi xin nhận trách nhiệm là chưa cương quyết, còn nể nang đối với yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, vì chúng tôi cũng thấy khó khăn của các địa phương, nhu cầu của các địa phương là rất lớn nhưng khả năng bố trí chưa phù hợp, nên các phương án làm đi làm lại nhưng chất lượng chưa được tốt, phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại. Chúng tôi cũng chưa thực sự nghiêm túc và còn nể nang chia sẻ những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn”.
Một số dự án gây ô nhiễm môi trường là hạn chế của đầu tư nước ngoài
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khi chất vấn Bộ trưởng lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã nói rõ: “Trong gần 30 năm qua kể từ khi chúng ta có Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam chúng ta đã thu hút được 23,000 dự án đầu tư với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế mà cụ thể là đóng góp 18% cho GDP, 23% cho tổng vốn đầu tư xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% là kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại: ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển”.
“Chính phủ sẽ có những giải pháp đồng bộ như thế nào để khắc phục được những tồn tại nêu trên nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường?”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu câu hỏi.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về các dự án đầu tư nước ngoài, chúng ta đã thu hút đầu tư nước ngoài đến nay gần 30 năm, năm nay chúng ta đang kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Luật đầu tư,.
“Vai trò, vị trí và đóng góp của đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế của chúng ta rất rõ, đó là về vốn đầu tư, đó là về công nghệ, về thị trường, về đóng góp ngân sách, đó là về lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước của chúng ta. Bộ mặt của nền kinh tế, các đô thị, các cơ sở hạ tầng, kể cả trong xuất khẩu hiện nay là có sự đóng góp rất lớn của FDI”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
“Tuy nhiên, vẫn còn những mục tiêu của chúng ta đặt ra nhưng chưa đạt được, đó là một số dự án công nghệ không phải là công nghệ cao, còn có sự chuyển giá. Một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, nhiều năng lượng, nhiều nguyên vật liệu đầu vào của chúng ta, một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường, đó là một số hạn chế của đầu tư nước ngoài. Nhưng không phải vì những hạn chế này mà chúng ta không tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
“Chúng ta khẳng định trong tổng đầu tư của toàn xã hội trong các giai đoạn sắp tới, trong khi đầu tư của nhà nước đang còn khó khăn, hạn hẹp như vậy thì chúng ta phải dựa vào đầu tư nước ngoài, đầu tư của tư nhân, đầu tư của xã hội. Chúng tôi muốn nói chính sách định hướng vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng và ít sử dụng lao động nhất. Đó cũng là lợi thế của chúng ta nhưng không vì nó mà lãng phí mà cần hướng đến môi trường, không tập trung vào những lĩnh vực gia công cũng như có những chính sách để chống chuyển giá của nước ngoài và khuyến khích chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng Dũng trả lời.