Đau lòng phần nổi của hai phiên tòa “đại án“

Google News

Hai phiên tòa xét xử “đại án” đã khép lại ngày làm việc thứ năm và những tình tiết dần được làm sáng tỏ qua những lời khai của bị cáo, tranh tụng của luật sư, cáo trạng của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Nổi lên rõ nhất một vấn đề: Đồng tiền của Nhà nước (tức của nhân dân) đến tay các bị cáo (kể cả nhóm cán bộ nhà nước lẫn những đại gia ngân hàng) được sử dụng một cách quá dễ dàng. Cái nhóm bị cáo buộc tội tham ô rút hơn chục tỷ chia nhau dễ như lấy tiền trong túi mình vậy. Còn nhóm bị cáo ngân hàng thì cho nhau vay hàng nghìn tỷ đồng, nhập vào, rút ra cũng hết sức thoải mái. Tiền tỷ tạm ứng để xây dựng công trình nhưng sử dụng cho việc khác cũng hết sức thoải mái. Ai đã tạo ra một lỗ hổng như vậy trong quản lý tiền bạc ngoài việc đổ lỗi cho cơ chế?
 
Nổi lên tiếp tục là động cơ phạm tội “Cố ý làm trái...”. Ông Phạm Công Danh giải thích lý do mình sai phạm là do áp lực tăng vốn điều lệ từ Ngân hàng Nhà nước. Cũng vì do áp lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện mà các cán bộ ngành Dầu khí đã bỏ qua các quy định pháp luật trong việc chi tiền tạm ứng hoặc chỉ định thầu. Đây không phải việc “đổ lỗi cho cơ chế” của các bị cáo mà thực sự đã có những áp lực này, do đó, rõ ràng có vấn đề trong công tác chỉ đạo, điều hành. Có khi vì quyết liệt quá, năng động quá mà phạm tội chăng, như một bị cáo đã lý giải khi cung khai trước tòa. Nhưng, lại một câu hỏi đặt ra, ai gây ra những áp lực đó? Trong khi đó, ở ngoài đời, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định: “Áp lực duy nhất là đòi hỏi của xã hội” để khởi sự việc cải cách bộ máy của mình. Phải chăng, đây mới là giải pháp căn cơ để hạn chế môi trường phạm pháp?
Đại án cũng nổi lên vấn đề “đau lòng” từ nhận định của người nắm giữ quyền công tố của phiên tòa đến những ý kiến của bậc cán bộ lão thành và cả trong dư luận của nhân dân nữa. Song, không thể nhẹ tay với việc trừng phạt nếu không muốn những việc “đau lòng” kiểu như thế này tiếp diễn.
Đau lòng cũng diễn ra ở một vụ án khác, cùng trong thời điểm xét xử hai vụ “đại án” này. Tòa án Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm một trường hợp bị tuyên án tử hình kháng cáo. Luật sư chỉ định cho phiên tòa này không đến, bị cáo xin tự bào chữa nhưng không được chấp nhận, phiên tòa buộc phải tạm hoãn và bị cáo xin rút đơn kháng cáo, chấp nhận bản án tử hình đối với mình. So với đội ngũ luật sư hùng hậu bảo vệ cho các đại gia với vụ này, bản thân người viết bài này cảm thấy đau lòng!
Một diễn biến khác thường là mặc dù các bị cáo và luật sư phủ nhận tội Tham ô đối với Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nhưng các bị cáo này vẫn “khắc phục” bằng cách nộp đủ số tiền 13 tỷ bị cáo buộc. Đó là cách thừa nhận gián tiếp chăng hay đơn giản chỉ muốn nhẹ tội? Tuy nhiên, lời cáo buộc đanh thép nhất, thuyết phục nhất không nằm ở cáo trạng mà chính là khối tài sản không nhỏ đang thuộc quyền sở hữu của các bị cáo này.
Theo Nhị Ngọc/ Baophapluat.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)