Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, BIDV… chiều qua chủ yếu xoay quanh hành vi vay mượn giữa BIDV, VNCB thông qua các Cty do ông Phạm Công Danh (Chủ tịch VNCB) lập ra.
Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại Hội sở chính của BIDV) đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân Ban rủi ro, trên cơ sở các thành viên Ban này đồng ý về chủ trương cho 12 Cty của ông Phạm Công Danh vay mua VLXD theo mô hình 4 nhà là 4.700 tỷ đồng. Sau đó ủy quyền cho 4 chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện việc cho vay và thu nợ.
Hiện BIDV không thiệt hại gì và đã thu hồi được vốn và lãi. Qua điều tra, chưa thấy tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Trần Bắc Hà và các thành viên hưởng lợi từ việc cho 12 Cty của ông Danh vay.
“Kết quả điều tra cho thấy không đủ căn cứ xác định ông Trần Bắc Hà và các thành viên Phân Ban của BIDV đồng phạm với ông Phạm Công Danh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nên Cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự ông Trần Bắc Hà và các thành viên”, Hồ sơ công tố công bố trước tòa nhận định.
|
Phạm Công Danh. Nguồn ảnh: Zing |
Đáng lưu ý là đại diện VKS tại tòa kiến nghị thu hồi 1.700 tỷ đồng tiền mà VNCB thiệt hại liên quan tới việc vay, trả với BIDV. Lý do VKS đưa ra đó là tiền tang vật, cần thu hồi cho VNCB để khắc phục hậu quả.
Trả lại ý kiến của VKSND tại tòa, điều tra viên Tăng Thị Nga - trực tiếp điều tra vụ án thuộc C46, Bộ Công an cho rằng, quá trình điều tra đã xác định số tiền thiệt hại thông qua các khoản vay của ông Phạm Công Danh tại các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
"VKSND Tối cao xác định số tiền này là tang vật vụ án nên phải thu hồi, nhưng không nêu rõ cơ chế thu hồi nên đến nay cơ quan điều tra chưa thực hiện được", bà Nga nói trước tòa.
Điều tra viên này khẳng định hành vi gửi tiền chưa có kết luận sai, tất toán cũng chưa có kết luận sai nên không có cơ sở để thu hồi (1.700 tỷ đồng từ BIDV) làm bằng chứng, vật chứng của vụ án như kiến nghị của đại diện VKS.
Ngay sau khi điều tra viên bảo lưu quan điểm tại tòa, HĐXX xét hỏi đại diện BIDV về khoản vay 4.700 tỷ đồng mà BIDV cho vay đúng quy định hay không?
Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Ban Pháp chế BIDV- đại diện ủy quyền của BIDV) đáp rằng: “Cơ bản tất cả quy trinh thực hiện, chúng tôi là làm đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi thực hiện nhận tài sản bảo đảm là tiền gửi, có chuyển giao tiền cho chúng tôi, vậy đó là cầm cố”.
Bà Phương cũng khẳng định rằng BIDV không giao dịch cá nhân với Phạm Công Danh hay Phan Thành Mai. Tư cách của ông Danh là người đại diện của ngân hàng VNCB, BIDV giao dịch với 2 chủ thể có tư cách giao dịch chứ không giao dịch với tư cách cá nhân.
Trả lời câu hỏi chủ tọa là ông Danh rút tiền sai sau đó chi tiêu cá nhân và có chuyển nhiều nơi, trong đó có chuyển lại BIDV thì BIDV có ý kiến gì, khi VKS đề nghị thu hồi vì là tiền tang vật vụ án?
Bà Phương nói rằng, trong hoạt động ngân hàng, nguồn tiền trong tài khoản của khách hàng thì cần suy đoán là tài sản hợp pháp, BIDV không quan tâm tiền đó do đâu mà có, vì đó là tiền khách hàng.
Cung trong phiên xét xử chiều nay, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên BIDV – Chi nhánh Gia Định – trả lời HĐXX, các bị cáo này nói cáo trạng có một số điểm chưa thật sự chính xác. Bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định), bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên trưởng phòng khách hàng của BIDV Gia Định) và bị cáo Nguyễn Vũ Bão (nhân viên) đều khẳng định việc mình thẩm định hồ sơ vay là đúng quy trình, tuy nhiên do lỗi chủ quan nên mới thiếu sót chứ không phải cố ý làm trái.