Sáng 26/7/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được Quốc hội khoá XV tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước và tiến hành nghi lễ tuyên thệ.
Từ khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều hoạt động chính trị, xã hội mang nhiều dấu ấn. Đặc biệt, trong các chuyến công du của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc đã để lại nhiều ấn tượng với bạn bè quốc tế và mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia.
Gần đây nhất là chuyến công du tại Hàn Quốc và Indonesia trong tháng 12/2022, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tạo được nhiều dấu ấn.
|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo nghi thức cao nhất.
|
Đầu tháng 12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc - chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Hàn Quốc kể từ khi nước này có Tổng thống mới.
Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeo đã Tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc. Việc nâng cấp quan hệ là dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa đối với quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển theo đúng tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới.
Trong chuyến thăm này, các cơ quan và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia - một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết và trao đổi 3 thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực phòng chống khủng bố; hợp tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán ma túy, chất hướng thần và tiền chất; hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên khẳng định thúc đẩy tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng và bền vững; phấn đấu đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028. Chủ tịch nước đã đề nghị Indonesia xóa bỏ các rào cản thương mại và các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam, mở cửa hơn nữa cho xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia và hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal phù hợp với văn hóa Hồi giáo.
Lãnh đạo hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực quan trọng khác, nhất là quốc phòng, an ninh, hợp tác biển, tăng cường kết nối, giao lưu nhân dân, địa phương và doanh nghiệp. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ Indonesia đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, góp phần tăng cường đoàn kết ASEAN và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngày 17/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo thông cáo phát đi sau cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khoá tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 69 tuổi, quê Quảng Nam, cử nhân kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị ba khóa liên tiếp từ XI đến XIII; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa liên tiếp từ X đến XIII; đại biểu Quốc hội bốn khóa XI, XIII, XIV, XV.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông về quê làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng UBND tỉnh, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.
Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.
Tháng 4/2021, ông được bầu làm Chủ tịch nước.