Năm 1975, một người đàn ông họ Hồ (Trung Quốc) trên đường quê thăm bạn ở thôn Thái Bình, thành phố Vị Nam đã vô tình tìm thấy 1 bảo vật vô giá.
Trước đó, bảo vật này được dùng để đựng thức ăn chăn nuôi trong chuồng gà. Tuy nhiên, do hình dạng giống hệt như chim ưng - thiên địch của loài gà nên chỉ duy nhất bảo vật này bị đàn gà “thờ ơ”.
Ông Hồ thấy vậy bèn tò mò hỏi nguồn gốc của chiếc “hũ đựng thức ăn chăn nuôi” này. Hóa ra, chủ trang trại gà chỉ là nhặt được nó khi đi khai hoang. Chỉ tiếc một điều là không con gà nào dám “bén mảng” tới chiếc hũ đầy ắp thức ăn nhưng nhìn giống hệt chim ưng này.
Sau đó, ông Hồ đã bỏ ra 10 NDT, tương đương 1.000 NDT (3,5 triệu đồng) ở thời điểm hiện tại để mua lại chiếc hũ, bởi ông cho rằng đây có thể là một cổ vật giá trị. Kết quả đúng như ông dự liệu, thông qua giám định, đây là một chiếc lư hương bằng gốm có từ thời kỳ đồ đá. Nó cao 35,8 cm, đường kính 23,3 cm, hình dáng giống như 1 chú chim ưng đang đứng. Phần mỏ quặp và nhọn được chế tác vô cùng tinh xảo, cặp mắt to và rất sáng, phần đuôi hướng xuống dưới, nhìn sống động như thật, khiến người ta có cảm giác con chim ưng này đang trong tư thế sẵn sàng săn mồi.
2 chân và đuôi tạo thành 1 cái đế ba chân, vừa đẹp mắt lại giúp chim ưng đứng vững khi đặt trên bất kỳ mặt phẳng nào. Thiết kế đặc biệt của tác phẩm này không chỉ nhấn mạnh điểm đặc trưng về hình dạng, khí thế của đại bàng mà còn đạt được sự hài hòa trong đồ dùng thường ngày và nghệ thuật mô phỏng.
Ngoài ra, rất có thể tác phẩm này được lấy cảm hứng từ các hoạt động tế lễ ở thời xa xưa. Việc tạo hình các bức tượng động vật có liên quan mật thiết đến môi trường sống, và các món đồ gốm xét trên một khía cạnh nào đó cũng phản ánh quan niệm sùng bái vật tổ (biểu tượng của 1 bộ tộc) của người nguyên thủy.
Hiện nay, bảo vật này đã được đưa vào Viện bảo tàng quốc gia ở Trung Quốc. Năm 2002, nó được liệt vào danh sách văn vật triển lãm cấm xuất ngoại của nước này.