Cựu đại úy công an Lê Thị Hiền sẽ đối diện án phạt nào?

Google News

Cựu nữ đại úy công an từng "đại náo" sân bay bị truy tố về tội cướp tài sản đang gây xôn xao, nhiều người đặt câu hỏi cựu nữ đại uý này đối diện án phạt nào?

VKSND quận Đống Đa, Hà Nội vừa truy tố bị can Lê Thị Hiền (SN 1983, cựu đại úy công an từng gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 8/2019) cùng 17 bị can khác về tội "Cướp tài sản" vì thực hiện hành vi "gí bill", ép khách sử dụng các dịch vụ của quán với giá "đắt đỏ". Cáo trạng xác định với hình thức nêu trên từ ngày 31/3 đến 14/4/2021, các đối tượng đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản, chiếm đoạt tổng số hơn 84 triệu đồng.
Cuu dai uy cong an Le Thi Hien se doi dien an phat nao?
Cựu đại úy Công an Lê Thị Hiền.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đến nay, VKSND quận Đống Đa đã có cáo trạng đề nghị truy tố với các bị can, tuy nhiên Lê Thị Hiền không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình bị oan sai nên cơ quan điều tra cần tố tụng cần thận trọng đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ bản chất vụ việc, giải quyết vụ án thấu tình, đạt lý, đúng quy định của pháp luật.
Cuu dai uy cong an Le Thi Hien se doi dien an phat nao?-Hinh-2
 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
"Trước đây, trước khi bị tước danh hiệu Công an nhân dân do bị kỷ luật "đại náo" sân bay thì cựu đại úy Lê Thị Hiền công tác tại Công an quận Đống Đa và đến nay chính cơ quan này lại là cơ quan khởi tố, tiến hành điều tra đối với cựu đại úy này về tội cướp tài sản, đây cũng là cơ hội để cho bị can có dịp bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về vụ việc một cách đầy đủ nhất.
Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động tố tụng hình sự khi tiến hành khởi tố, điều tra đối với các cán bộ sai phạm, đặc biệt là cán bộ trong ngành Công an thì các cơ quan tố tụng rất thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ, thận trọng trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm bởi những người này là những người có chức vụ quyền hạn, có sức ảnh hưởng và có thể có nhiều hành vi để che giấu tội phạm" - luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, về nguyên tắc chung là pháp luật quy định không có phân biệt giữa các bị can trong vụ án hình sự, tuy nhiên với những bị can có hiểu biết pháp luật, từng là đồng chí với những người tiến hành tố tụng trong quá trình công tác trước đây thì việc thu thập đánh giá chứng cứ cẩn thận trọng hơn, đảm bảo tính khách quan, công bằng để tránh oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm.
Luật sư Cường bày tỏ quan điểm, trong vụ án này, cựu đại úy Lê Thị Hiền đang không thừa nhận hành vi phạm tội, bởi vậy cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào lời khai của các bị can khác, các tài liệu chứng cứ khác để chứng minh tội phạm. Trong trường hợp bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng có đủ căn cứ cho thấy bị can đã có vai trò chủ mưu hoặc xúi giục các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội thì tòa án cũng vẫn sẽ kết tội về tội cướp tài sản.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết thêm, trong số các bị can trong vụ án này thì bị can Lê Thị Hiền là trường hợp đặc biệt bởi Hiền từng là Công an và từng bị kỷ luật do hành vi gây rối tại sân bay khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên việc nào ra việc đó, hành vi vi phạm trước đây của Hiền đã bị kỷ luật, bị xử phạt hành chính. Còn đối với hành vi trong vụ án này thì phải căn cứ vào các quy định của bộ luật hình sự căn cứ vào kết quả tranh tụng để xem xét Hiền có oan sai hay không.
Trường hợp Hiền bị kết tội trong vụ án này thì đây là một câu chuyện rất đáng buồn và rất đáng suy ngẩm về nhận thức, thái độ, trách nhiệm xã hội của một số cán bộ, những người được trao cho những thân phận đặc biệt, những quyền lực đặc biệt để phục vụ nhân dân nhưng họ không xứng đáng, phụ lòng tin của nhân dân.
Bộ luật hình sự quy định về tội cướp tài sản như sau:
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
>>> Xem thêm video: Nữ đại úy Lê Thị Hiền bị kỷ luật Đảng mức cao nhất

Nguồn: Truyền Hình Nhân Dân.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)