Công ty Tâm Việt cho Lào Cai mượn máy XN COVID-19: “Lòng tốt” đầy nghi vấn?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Công ty Tâm Việt cho Lào Cai mượn máy xét nghiệm COVID-19 khiến dư luận hoài nghi về “lòng tốt” này. Thậm chí, một luật sư khi nêu ý kiến về việc “cho mượn” đã thẳng thắn nói rằng, có khả năng đó chính là hợp đồng giả cách để che đậy.

“Lòng tốt” đầy nghi vấn?
Sau vụ nâng khống giá hệ thống Realtime PCR tự động tại CDC Hà Nội, nhiều địa phương đã có những “biểu hiện rất lạ” khi một số địa phương mua giá máy xét nghiệm lên đến hơn 7 tỷ đã thương thuyết doanh nghiệp giảm giá sau khi ký hợp đồng, trong khi một số địa phương dù đang sử dụng máy tiền tỷ nhưng lại nói rằng “đi mượn”.
Cụ thể, mới đây, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lào Cai trao đổi với cơ quan truyền thông cho biết, theo báo cáo của CDC Lào Cai, máy xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR tại trung tâm này là mượn của doanh nghiệp và Sở đã báo cáo vụ việc về Bộ Y tế.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Sở y tế Lào Cai, CDC Lào Cai đã có đề xuất mua máy xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR tuy nhiên tỉnh chưa đồng ý mua do nhiều thông tin chưa đầy đủ.
Cong ty Tam Viet cho Lao Cai muon may XN COVID-19: “Long tot” day nghi van?
Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đang dùng là do 2 doanh nghiệp cho mượn. Ảnh: Báo Lào Cai. 
Trước đó, Giám đốc CDC Lào Cai Nguyễn Văn Sửu cũng khẳng định CDC Lào Cai chưa mua được máy XN Covid-19 Realtime PCR và hệ thống máy đơn vị này đang sử dụng là của doanh nghiệp "cho mượn".
Cụ thể, máy xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR mà CDC Lào Cai hiện đang sử dụng là của Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt cho mượn. Ngoài ra, một thiết bị gồm bộ máy xét nghiệm kỹ thuật Realtime PCR và máy tách chiết của một doanh nghiệp khác là Công ty An Việt "cho mượn" nhưng hệ thống này chưa được cơ quan chức năng công nhận đạt chuẩn nên chỉ sử dụng để sàng lọc mẫu.
Việc Công ty Tâm Việt đã đồng ý hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai mượn 1 máy xét nghiệm COVID-19 bằng công nghệ Real-time PCR từ giữa tháng 3/2020 được đánh giá là rất tốt.
Tuy nhiên, “lòng tốt” này của Công ty Tâm Việt khiến dư luận nghi ngờ bởi họ không tin doanh nghiệp lại tốt đến mức bỏ ra tiền tỷ nhập máy về cho mượn. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, nếu không xảy ra vụ CDC Hà Nội thì liệu Tâm Việt có sẵn sàng cho mượn hay không?
Được biết, Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt do ông Ngô Bá Bình làm giám đốc mới đây đã trúng gói thầu Mua vật tư, hoá chất, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm Labo tỉnh phục vụ phòng dịch COVID-19 của CDC Lào Cai có giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Đây cũng là doanh nghiệp trúng gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động tại tỉnh Bắc Ninh và Ninh Bình có giá hơn 5,9 tỷ đồng khiến dư luận đang có nhiều nghi vấn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, về việc một số địa phương lập hợp đồng phụ để "mượn" máy móc của doanh nghiệp, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp luật dân sự, việc thoả thận dân sự là hoàn toàn tự nguyện giữa các bên mà pháp luật không cấm.
“Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều khả năng loại hợp đồng đó về bản chất không phải là hợp đồng dân sự thuần tuý mà có khả năng đó chính là hợp đồng giả cách để che đậy. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng sẽ làm rõ vấn đề này, nếu có sai phạm cũng sẽ xử lý nghiêm khắc” - luật sư Trương Anh Tú cho biết.
“Xóa cờ đánh lại”… có thoát tội?
Trong khi một số địa phương lên tiếng về việc “mượn máy” xét nghiệm COVID-19, một số địa phương khác lại đồng loạt “đàm phán” với các nhà cung cấp để giảm giá máy xét nghiệm hàng tỷ đồng như việc Quảng Ninh ký hợp đồng liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao 8,4 tỷ nhưng sau đó giảm xuống 5,2 tỷ, Ninh Bình và Bắc Ninh mua 5,9 tỷ, Thái Bình mua của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc với giá 6,4 tỷ đồng sau giảm còn hơn 5,8 tỷ đồng…
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên phương pháp "xóa cờ đi đánh lại" này được áp dụng trong việc thực hiện các hợp đồng kinh tế.
Luật sư Trương Anh Tú dẫn ví dụ, tại vụ án MobiFone mua 95% AVG, các đối tượng đã tiến hành hợp đồng mua bán trên hơn 8.445 tỷ đồng, gây thất thoát số tiền rất lớn của Nhà nước.
Sau đó, khi cơ quan kiểm tra vào cuộc, Bộ Công an xác minh, hai bên có biên bản thống nhất hủy hợp đồng với lý do MobiFone không phát huy được AVG và các cổ đông của AVG đã chuyển trả cho MobiFone số tiền hơn 8.774 tỷ đồng (gồm cả số tiền trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán).
"Vụ MobiFone đã thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, coi như "xoá cờ đánh lại", nhưng không phải là các đối tượng có sai trái gì thì xoá sạch, các đối tượng vi phạm trong vụ án này vẫn bị xử lý nghiêm minh. Bởi thực tế, tội phạm đã hoàn thành, từ lúc có hành vi sai trái xảy ra" - luật sư Tú phân tích.
Cong ty Tam Viet cho Lao Cai muon may XN COVID-19: “Long tot” day nghi van?-Hinh-2
 Luật sư Trương Anh Tú.
Nêu tiếp một ví dụ về việc một tên kẻ trộm đột nhập vào gia đình lấy tài sản ra khỏi nhà, sau đó bị đe doạ, có nguy cơ trả giá pháp luật nên đối tượng đã lấy tài sản đó trả lại chủ nhà, luật sư Tú khẳng định, việc trả lại tài sản này nó không loại trừ trách nhiệm hình sự, vì tội phạm hoàn thành từ lúc lén lút lấy tài sản ra khỏi ngôi nhà của chủ sở hữu. Việc trả lại tài sản chỉ là một tình tiết giảm nhẹ.
"Như vậy, cũng giống như vụ đại án MobiFone mua AVG, vụ việc tên trộm trả lại tài sản, nếu đã có hành vi trục lợi, nâng khống việc mua sắm thiết bị phòng, chống COVID-19, việc "đàm phán" giảm giá, chỉ là một tình tiết giảm nhẹ cho các đối tượng trong vụ án" - luật sư Tú cho biết.
Theo luật sư Tú, sau khi Giám đốc CDC Hà Nội và nhiều cán bộ bị bắt giữ, đã "gióng lên hồi chuông cảnh báo" đến tất cả các tỉnh, thành cũng có tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu trái pháp luật để mua bán trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
"Dường như sự kiện xảy ra ở Hà Nội nhưng khiến nhiều người ở các tỉnh, thành khác lại bất an. Qua thông tin báo chí, được biết một số tỉnh, thành đã tổ chức đàm phán lại hợp đồng để hạ giá mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19xuống. Tại sao họ phải làm như vậy? Rõ ràng chúng ta có quyền đặt ra nghi ngờ, phải chăng trước đây các hoạt động mua bán, tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu trái pháp luật hoặc không phù hợp với qui định pháp luật, nay có ý làm lại để sửa sai?" - luật sư Tú nêu vấn đề.
Luật sư Tú cho biết, ngay cả việc hợp đồng ký rồi nhưng chưa chuyển tiền, thì tuy khó xác định hành vi phạm tội hơn, nhưng không phải là không thể xác định hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra sẽ rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu, nếu có sai phạm, có hành vi tư túi, hưởng lợi bất chính, thì tuỳ từng trường hợp, sẽ có phương án xử lý theo qui định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video CDC Hà Nội "hô biến" máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng

Nguồn: VTC Now.


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)