Từ vụ CDC Hà Nội "ăn tiền bẩn": Tù mù giá thiết bị y tế

Google News

7 người liên quan đến việc mua thiết bị PCR xét nghiệm COVID-19 của CDC Hà Nội bị bắt vì nâng khống giá máy so với thực tế. PV tìm hiểu thấy có tình trạng tù mù giá thiết bị y tế.

Đầu tháng 3/2020, trong buổi tập huấn triển khai công tác về phòng chống dịch, tại danh mục thiết bị phòng xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Reatime RPTCR cung cấp cho một số CDC khu vực phía nam, có đơn vị cung cấp máy khuếch đại gen (tức máy Realtime LightCycler 480 (PCR 480) của hãng Roche với giá 1,5 tỷ đồng/máy.
Bảng thông tin danh mục thiết bị cho thấy, thiết bị chính là PCR 480 có giá 1,5 tỷ đồng, nếu cộng thêm các bộ phận khác như máy ly tâm Plate, tủ PCR Cabinet, máy trộn hóa chất, máy li tâm ngắn lò hấp… tổng cộng tới 12 thiết bị phụ trợ, giá sẽ thành 2,73 tỷ đồng. Đây là mức giá được cập nhật vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng.
Ngoài ra, còn có các hệ thống PCR “mở” có giá trên dưới 2 tỷ đồng được một số đơn vị khác chào bán.
Tu vu CDC Ha Noi
 Máy xét nghiệm COVID-19 được một công ty thiết bị y tế chào bán.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, loại máy PCR mà CDC Thái Bình mua cách đây hơn 1 tháng, bao gồm máy chính cộng thêm một số thiết bị phụ trợ, với giá khoảng 5,8 tỷ đồng. Hệ thống này được đưa vào hoạt động từ ngày 1/4.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một doanh nghiệp báo giá cung cấp hệ thống xét nghiệm PCR cho Sở Y tế Quảng Ninh ở mức 15 tỷ đồng. Công ty này còn đề nghị Sở Y tế Quảng Ninh sắm thêm máy tách chiết. Theo báo giá, hệ thống tách chiết này có giá 2 tỷ đồng. Một văn bản mà Sở Y tế Quảng Ninh gửi CDC tỉnh này cho thấy, tổng giá trị máy PCR tự động tuần hoàn kèm tách chiết được báo giá 17 tỷ đồng.
Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ làm việc với Sở Y tế Quảng Ninh về việc này nhưng chưa nhận được trả lời.
Bia kèm lạc
Ông Hoàng Minh Tuấn, một chuyên gia trong lĩnh vực trang thiết bị y tế ở TPHCM, cho biết nói đến xét nghiệm thì ngoài hệ thống trang thiết bị máy móc, phải kể đến sinh phẩm, kit xét nghiệm. Việc mua sắm máy xét nghiệm không chỉ nhìn vào giá máy mà còn phải phù hợp với công tác phòng chống dịch. Phải tương thích với các sinh phẩm, kit xét nghiệm đi kèm. “Nếu không tương thích sẽ có nhiều chi phí phát sinh”, ông Tuấn nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 2/2020, Việt Nam công bố sản xuất thành công và đưa vào sử dụng bộ kit xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, việc mua sắm thiết bị xét nghiệm của các tỉnh thành lại… mỗi nơi một phách.
Có những CDC, bệnh viện đã mua hệ thống xét nghiệm PCR “đóng” với giá cao, trong khi, việc sử dụng hệ thống đóng chỉ tương thích cao nhất với chính kit do hãng sản xuất bán kèm theo. Và giá kit ngoại theo bảng giá cho thấy cao gần gấp đôi kit do Việt Nam sản xuất, khoảng 500.000 đồng/kit.
"Hệ thống PCR 'đóng' có thể khiến chúng ta mất sự chủ động trong việc cung ứng, sản xuất sinh phẩm, kit xét nghiệm. Bởi các cơ sở sử dụng hệ thống PCR 'đóng' hoặc phải phụ thuộc vào hãng sản xuất, cung cấp kit, trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến khó lường, phức tạp dẫn tới có nguy cơ khan hiếm do cung không đủ cầu. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rất nhiều tỉnh thành được cung cấp và mua loại thiết bị này. Nếu chỉ định mua máy này chẳng khác nào 'mua bia kèm lạc' vì tiêu tốn thêm nhiều chi phí khác", ông Tuấn nói.
Theo Lê Nguyễn (Tiền Phong)

>> xem thêm

Bình luận(0)