Giá máy xét nghiệm COVID-19:Nơi hơn 7 tỷ, chỗ hơn 1 tỷ
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Đồng thời khởi tố Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 bị can liên quan đến hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19.
Lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), kết quả điều tra ban đầu từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng qua các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng.
Sau vụ nâng khống giá hệ thống Realtime PCR tự động tại CDC Hà Nội, hàng loạt địa phương được xác định đã mua máy xét nghiệm này với giá cao.
|
Máy xét nghiệm COViD-19 tại nhiều địa phương có giá chênh lệch khá lớn. |
Cụ thể, Quảng Nam mua hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động của công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt với giá 7,2 tỷ đồng; Quảng Ninh ký hợp đồng liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao 8,4 tỷ nhưng sau đó giảm xuống 5,2 tỷ, Ninh Bình và Bắc Ninh mua 5,9 tỷ; Ninh Bình và Bắc Ninh đã mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR của Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt với giá 5,9 tỷ đồng qua hình thức đấu thầu; Thái Bình mua của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc với giá 6,4 tỷ đồng sau giảm còn hơn 5,8 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với giá rất thấp như Quảng Trị mua 1 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR giá 1,45 tỷ đồng và 1 máy tách chiết mẫu tự động giá 650 triệu đồng); Đà Nẵng mua hệ thống Realtime PCR với giá gần 1,4 tỷ đồng; Gia Lai được một doanh nghiệp tại địa phương tặng hệ thống máy Realtime PCR gần 2 tỷ đồng; Bình Thuận mua máy xét nghiệm Realtime PCR giá 1,6 tỷ đồng…
Trong khi đó, Sở Y tế Hải Phòng mới đây cho biết, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tại Trung tâm y tế dự phòng TP Hải Phòng là đi mượn của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông. Tương tự, CDC Lào Cai chưa mua được máy xét nghiệm COVID-19 Realtime PCR và hệ thống máy đơn vị này đang sử dụng là mượn của Công ty An Việt.
Thanh tra, minh bạch là cần thiết
Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19.
Xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự kịp thời, quyết liệt bảo đảm sự minh bạch, bồi đắp niềm tin của người dân vào một Chính phủ hành động.
|
Luật sư Nguyễn Thế Truyền. |
“Sự minh bạch trong công tác chống dịch phải được thể hiện ở thông tin, trách nhiệm, quyền lợi của tất cả các hoạt động đều được đưa ra công khai, để dân giám sát và không có bất kỳ ngoại lệ nào khi có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình sử dụng chi phí chống dịch COVID-19” – luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến.
Theo luật sư Truyền, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi ủng hộ được số tiền lớn để hỗ trợ công tác chống dịch trong lúc ngân sách không hề dư dả, mọi đồng tiền đóng góp của nhân dân, của ngân sách phải được chi tiêu đúng chỗ, phục vụ cho mục đích chống dịch như chống giặc của toàn đảng toàn dân. Việc CDC Hà Nội nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 để trục lợi là khó chấp nhận, bên cạnh đó, nhiều địa phương mua giá cao cũng khiến dư luận hoài nghi.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc thanh kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng cần phải được hiểu như một mệnh lệnh đối với sự phát triển của đất nước, là tiền đề tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào các cơ quan chức năng để từ đó có cơ sở để phát triển kinh tế, tái khởi động lại mọi hoạt động của xã hội sau thời gian dài giãn cách xã hội, tạo sự hứng khởi, tin tưởng tuyệt đối của tổ chức cá nhân cùng đồng lòng.
“Nhà báo Davit Hutt đã dùng những từ như “sự minh bạch hiếm thấy” và “những hành động kịp thời, hiệu quả của hệ thống chính quyền” đã chứng tỏ được Việt nam đã làm rất tốt và tin chắc chắn Việt nam sẽ đạt được những thành tựu to lớn sau đại dịch lần này. Có lẽ đây cũng chính là sợi chỉ hồng xuyên xuốt trong lần chống COVID-19 của chúng ta” – luật sư Truyền nói.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, với việc nhiều địa phương mua máy xét nghiệm với giá cao thì cần phải có thanh tra vào cuộc để làm rõ xuất xứ hàng hóa ở đâu? Giá nhập khẩu bao nhiêu? Chỉ định thầu thế nào? Ai phê duyệt?
“Dư luận đã quan tâm như vậy, tôi nghĩ thanh tra cần vào cuộc làm rõ. Vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội là một bài học sâu sắc để phòng ngừa răn đe, để cho những cán bộ khác ở các địa phương khác không dám, không ham và không thực hiện những hành vi vi phạm như thế. Nếu có thông tin một số tình thành cũng có tình trạng mua với giá cao như vậy, tôi cho rằng, cần thanh tra làm rõ để trả lời cho công luận. Tôi đề nghị thanh tra tất cả các địa phương được đầu tư mua sắm hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2” - đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, không thể chấp nhận tình trạng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm đến 3 lần như thế được.
“Con sâu làm rầu nồi canh. Hiện nay chúng ta đã quyết liệt phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh không lây lan ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong đó, các trang thiết bị y tế là cực kỳ quan trọng. Lợi dụng trong thời điểm này, một bộ phận người trục lợi riêng tư để bỏ túi riêng là hành vi phi đạo đức y tế, phi đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải làm rõ để xử lý”- đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, không chỉ thanh tra gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà cần thanh tra tất cả các gói thầu mua sắm trang thiết bị vật tư tại các địa phương.
“Hiện nay đã phát hiện những vấn đề tiêu cực có liên quan đến lĩnh vực y tế trong việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19. Dư luận người dân rất quan tâm. Do vậy, cơ quan chức năng nên vào cuộc làm cho rõ, làm nhanh, làm gọn, không để trì trệ ảnh hưởng đến việc trang thiết bị y tế đến các cơ quan y tế để phòng ngừa dịch bệnh”- đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đồng thời, ông cho rằng, phải thanh tra, làm cho rõ ràng, cụ thể và phải quy trách nhiệm. “Đã phát hiện như vậy những cái còn lại không làm không được. Làm để cho rõ có hành vi vi phạm thì xử lý đúng quy định của pháp luật nếu không cũng để trả lời cho dư luận, không để bị nghi ngờ” - ông Hòa nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video CDC Hà Nội hô biến máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng: