Hành vi trục lợi từ dịch COVID-19 là tội ác, bị can có thể lĩnh 20 năm tù

Google News

Theo luật sư, hành vi trục lợi từ mua sắm thiết bị phòng dịch COVID-19 của lãnh đạo CDC Hà Nội và đồng bọn là tội ác, các bị can có thể lĩnh 20 năm tù.
 

Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với 7 bị can.
Trong số này, có Giám đốc CDC Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm.
Cơ quan điều tra xác định các đối tượng trên đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Hanh vi truc loi tu dich COVID-19 la toi ac, bi can co the linh 20 nam tu
 Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm (trái) và Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi) Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội.
Sự việc trên khiến dư luận bức xúc trước sự xuống cấp đạo đức của cán bộ, công chức đảm nhiệm công tác phòng, chống COVID-19.
Trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, hiện nay đất nước ta đang trong giai đoạn chống dịch COVID-19 như chống “giặc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng đồng lòng chung sức trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp thì lại lòi ra những con “sâu, mọt” đầu cơ, trục lợi trong việc đấu giá các thiết bị phòng, chống dịch COVID-19.
“Hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi đi ngược lại với quyền lợi của cả dân tộc, lợi ích của nhân dân, của đất nước. Hành vi này làm ảnh hưởng đến tinh thần chống dịch, làm hao mòn nguồn ngân sách và gây dư luận xấu trong nhân dân.
Bởi vậy, việc phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm như thế này sẽ là những vụ án điển hình, sẽ là những bài học răn đe cho những kẻ có ý đồ lợi dụng bệnh dịch để trục lợi. Đối với hành vi này, Chủ tịch TP Hà Nội từng nói cần xử lý tăng nặng trách nhiệm đối với người vi phạm. Điều này, chắc chắn nhân dân sẽ ủng hộ”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, đối với hành vi của các bị can nếu gây thiệt hại từ trên 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng, thì có thể phải nhận mức án từ 1 năm đến 20 năm tù.
“Các bị can trong vụ án này có thể phải đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc cao nhất của tội danh này là 20 năm tù và sẽ bị dư luận lên án mạnh mẽ”, luật sư Cường nhận định.
Đối với mức án cho các bị can, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, phải làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có căn cứ xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án trên, nếu có đồng phạm thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ, người nào là chủ mưu cầm đầu, người thực hành (trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội), đối tượng nào với vai trò giúp sức, xúi giục để phân hóa vai trò đồng phạm, làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án và có hình phạt phù hợp đối với từng bị can.
Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người này ngoài việc thực hiện hành vi quy định vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nếu còn có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ thì sẽ bị khởi tố thêm về tội danh này.
Theo các văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và các chỉ đạo của Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh, thì những vụ án như này có thể xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử nhanh, công khai, kịp thời để tuyên truyền cho hoạt động phòng chống dịch.
“Vụ án này được phát hiện, xét xử kịp thời, nghiêm minh sẽ là bài học để răn đe cho các đối tượng bất chấp đạo đức, bòn rút nguồn ngân sách chống dịch. Trục lợi từ hoạt động mua sắm thiết bị phòng dịch là tội ác, cần phải xử lý nghiêm”, luật sư Cường nhận định.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã thực hiện hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặc Chuyển nhượng thầu trái phép Gây thiệt hại cho nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.
Trong trường hợp thiệt hại đến 1.000.000.000 đồng thì các những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Theo Mạnh Đoàn/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)