Nhiều trường đại học đã áp dụng phần mềm chống “đạo văn”, đồng nghĩa với việc sẽ không khó để phát hiện ra những nội dung sao chép. Tuy nhiên, trong trường hợp học viên hay người hướng dẫn cố tình cho qua thì công cụ này cũng vô nghĩa. Vấn đề là làm sao để việc chống “đạo văn” trở thành ý thức, trách nhiệm tự thân của những người tham gia.
|
Chống “đạo văn” phải trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người. |
Phần mềm chỉ là công cụ
Là một trong những trường áp dụng sớm nhất phần mềm phát hiện “đạo văn”, ĐH Kinh tế Quốc dân đã triển khai trong toàn trường quy trình rà soát các luận văn, luận án từ cử nhân tới tiến sĩ để phát hiện mức độ sao chép. “Phần mềm phát hiện “đạo văn” rất hiệu quả, tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhấn mạnh với cán bộ giảng viên, đây chỉ là công cụ còn có ngăn chặn được “đạo văn” hay không cần phụ thuộc vào ý thức của cán bộ và học viên” - ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết.
Theo đó, trường này yêu cầu giảng viên tuân thủ đúng quy trình rà soát tài liệu từ học viên, ký xác nhận đảm bảo không vượt quá tỷ lệ sao chép trong khuôn khổ. Sinh viên, học viên đều phải nộp bản mềm luận văn cho giảng viên. Nếu đối chiếu phát hiện sao chép thì bắt buộc phải loại bỏ... “Bên cạnh đó, bản thân giảng viên phải tự bảo vệ uy tín của mình, tránh tình trạng xuê xoa, bỏ qua cho học viên thay vì nghiêm khắc yêu cầu học viện không được “đạo văn”. Cần ý thức đây là uy tín của cán bộ khi hướng dẫn nghiên cứu sinh có những công trình nghiên cứu chất lượng”.
Bàn về tình trạng thả lỏng, để xảy ra “đạo văn” tràn lan hiện nay, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là từ người thầy. “Thầy không chịu đọc nội dung học viên, nghiên cứu sinh nộp. Thầy cũng không đọc tài liệu liên quan đến lĩnh vực mình hướng dẫn. Thiếu kiến thức lại buông lỏng, thả nổi cho học viên tự làm, chỉ cần số lượng để lấy danh tiếng thay vì chất lượng... Với ý thức như vậy thì phần mềm chống “đạo văn” cũng chẳng đem lại hiệu quả gì” - GS.TS Phạm Tất Dong phân tích.
“Nhờn” vì thiếu chế tài
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, “án” kỷ luật áp dụng với 5 thành viên thuộc Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ Trần Văn Hải và giảng viên hướng dẫn đã ở mức cao nhất trong khung quy định. Tuy nhiên, bình luận về mức phạt này, nhiều người cho rằng, việc tạm dừng một năm vẫn quá nhẹ. Riêng với học viên, sinh viên bị phát hiện “đạo văn”, việc thu hồi bằng, thậm chí là đuổi học đã được áp dụng ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam, tình trạng nhân nhượng, bỏ qua khiến nhiều người cố tình vi phạm.
Trả lời phóng viên Báo ANTĐ, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng thừa nhận, chế tài xử phạt đối với hành vi “đạo văn” vẫn còn nhẹ với cả người hướng dẫn lẫn người thực hiện. “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Thanh tra, Vụ Pháp chế cùng các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung chế tài đối với cả học viên và cán bộ hướng dẫn làm luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ trong trường hợp đạo văn” - ông Nguyễn Huy Bằng khẳng định.
Bên cạnh đó, lỗ hổng trong quản lý đối với số lượng đề tài hướng dẫn của mỗi giảng viên cũng là nguyên nhân dẫn tới chất lượng đề tài nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ kém, sao chép lẫn nhau, không đem lại hiệu quả thực tế.
GS.TS Phạm Tất Dong cho biết, trên quy định mỗi giáo sư không được hướng dẫn quá 5 đề tài cùng một thời điểm, tiến sĩ cùng một lúc được hướng dẫn không quá 3 đề tài. Tuy nhiên, việc kiểm soát số lượng này đối với các trường, các viện lại không khả thi nếu giảng viên không tự giác thực hiện. Việc ôm đồm quá nhiều đề tài hướng dẫn cùng lúc khiến chất lượng các công trình nghiên cứu không đảm bảo.
Thực tế này còn có hệ quả từ kinh phí chi cho giảng viên khi tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh. “Mức chi thấp nhưng trường không thể quyết định chi ngoài khung quy định” - ông Nguyễn Văn Hiền cho biết.
Thực tế, để làm luận văn, luận án, các nghiên cứu sinh đều phải bồi dưỡng cho các thầy như một luật bất thành văn vì khoản chi trong khung quy định của Nhà nước quá ít. Việc nhận khoản bồi dưỡng này cũng khiến cán bộ dễ cả nể, bỏ qua cho nghiên cứu sinh trong quá trình làm luận văn, luận án.
Rõ ràng, với công cụ trong tay, để phát hiện “đạo văn”, cán bộ, giảng viên hướng dẫn làm luận văn, luận án đã có phương tiện để ngăn chặn tình trạng sao chép tràn lan. Tuy nhiên, ý thức cao về uy tín, thương hiệu bản thân cùng trách nhiệm với người nghiên cứu, với đối tượng được hưởng thụ kết quả nghiên cứu là điều mà các cán bộ hướng dẫn cần đặt lên hàng đầu chứ không chờ phải đến khi có chế tài xử lý kỷ luật từ cơ quan quản lý.