Chuyện ở làng ăn thịt chó ngày Tết lấy may

Google News

Tục lệ cả làng ăn thịt chó ngày mùng 4 Tết lấy may vẫn được người dân trong thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) duy trì.

Chuyen o lang an thit cho ngay Tet lay may
Sau khi tảo mộ tổ tiên, con cháu trong các dòng họ tại thôn Yên Trường lại kéo về nhà trưởng tộc để liên hoan cỗ thịt chó. Ảnh: GĐVN 
Ngôi làng từng nức tiếng nhờ nghề buôn, bán thịt chó, giờ tìm mãi không còn quán bán thịt chó nào. Nhưng tục lệ cả làng ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết lấy may vẫn được người dân trong thôn duy trì, gìn giữ.
“Làng thịt chó” đổi nghề
Ngày 3/12, tới thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), PV thật sự ngạc nhiên vì tìm cả thôn không tìm thấy một cửa hàng nào bán thịt chó. Đến chợ Trường Yên, cũng không thấy chỗ nào bán thịt chó. Tưởng do chưa qua rằm thì dân chưa bán thịt chó, nhưng khi hỏi ông Nguyễn Đình Đạm (70 tuổi, xóm Trung Tiến, thôn Yên Trường, xã Trường Yên) cười vui cho biết, hình ảnh nhan nhản quán thịt chó, từ đầu thôn đến cuối thôn la liệt quán lớn quán bé nằm san sát nhau, ô tô, xe máy đỗ chật kín các quán thịt chó... khoảng chục năm trước nay chỉ còn là dĩ vãng.
“Giờ cánh trẻ thì chuyển sang làm mây tre đan, đi làm trong các khu công nghiệp, buôn bán các mặt hàng khác, còn người già thì tập trung vào đồng ruộng, vườn tược, chăn nuôi...”, ông Đạm cho biết.
Ông Nguyễn Gia Tứ (60 tuổi, nguyên trưởng thôn Yên Trường) cho hay, đúng là đã có giai đoạn, kinh doanh thịt chó đem lại nguồn thu lớn cho làng, một bộ phận lớn người dân sống bằng nghề này. “Giờ thị hiếu thay đổi, Yên Trường không còn nổi tiếng với thịt chó nữa, vì thế cuộc sống nơi đây dường như lại bình lặng hơn bởi không còn cảnh khách tứ xứ đổ về buôn bán, giết chó ồn ào suốt từ sáng tới đêm”, ông Tứ nhìn nhận.
Ông Bùi Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Trường Yên xác nhận, do nhu cầu ăn thịt chó của người dân khắp nơi giảm, nên nghề kinh doanh thịt chó ở thôn Yên Trường cũng mai một dần. “Năm 2018, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo siết chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt chó và tới năm 2021, hướng tới cấm buôn bán thịt chó ở các quận nội thành… UBND xã Trường Yên cũng đã tổ chức tuyên truyền tới bà con nhân dân trên địa bàn thực hiện chủ trương của thành phố. Bây giờ, người dân nơi đây không còn giết mổ, buôn bán thịt chó nữa”, ông Tùng thông tin và cho hay, dù không kinh doanh thịt chó nhưng thôn Yên Trường hơn 6 nghìn dân vẫn giữ tục lệ ăn thịt vào ngày mùng 4 Tết để cầu may.
 Tục ăn thịt chó khai xuân tại thôn Yên Trường là một nét độc đáo đã có từ lâu đời. Nguồn gốc của tập tục này có thể là tâm lý muốn “đổi vị” do những cụ cao niên trong các dòng họ đồng ý cho con cháu tổ chức ăn thịt chó sau buổi tảo mộ và trong ba ngày Tết ăn thịt gà, thịt lợn nhiều nên ngày này họ muốn đổi món mới. Ngoài tục ăn thịt chó đầu xuân, người dân nơi đây còn có tục lệ truyền thống là ăn “Tết cùng” vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch. Đây là phong tục của dân làng để tưởng nhớ tổ tiên không được ăn Tết mà phải chạy giặc giã. Đó cũng là nét văn hóa giúp con cháu biết ơn ông bà, tổ tiên có công giữ làng, giữ nước của người dân nơi đây.
Ông Bùi Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Trường Yên
Cả làng ăn thịt chó khai Xuân
Chuyen o lang an thit cho ngay Tet lay may-Hinh-2
Ngồi hóng mát ao làng thôn Yên Trường, các cụ già trong làng kể về tục ăn thịt chó ngày Tết với phóng viên. 
Cụ Trần Văn Kí (85 tuổi, ở xóm Trung Tâm, thôn Yên Trường) chia sẻ, cũng như các nơi khác, từ ngày 30 Tết cổ truyền, người dân Yên Trường ăn Tết. Tết ở đây, người dân cũng ăn thịt lợn, thịt gà, các món truyền thống. Và cũng có nhà ăn các món làm từ chó như: Thịt chó, giò chó… nhưng không đưa lên mâm cơm cúng, mà chỉ dùng khi hạ lễ, dọn mâm để gia đình quây quần ăn. Nhưng cứ đến ngày mùng 4 Tết, đi tảo mộ về, tất cả các họ trong thôn Yên Trường đều tổ chức ăn cỗ sum họp gia đình, mỗi họ tổ chức vài chục mâm cỗ và thực đơn các mâm cỗ này hoàn toàn là thịt chó.
“Đây là tục lệ truyền từ bao đời nay rồi, ngày Tết ở quê tôi nhà nào không ăn thịt chó là có cảm giác thiếu thiếu cái gì đó, mọi người trong nhà thấy buồn và mất vui”, cụ Kí nói và vui vẻ kể lại cảnh ngày mùng 4 Tết, cả làng thịt chó, thui rơm khói mù mịt, tiếng băm chặt, mùi thơm vang khắp mọi ngóc ngách trong làng.
“Những ngày khác không sao, nhà nào thích cứ ăn, nhưng ngày mùng 4 Tết, nếu họ nào trong làng không ăn thịt chó, mà ăn thịt lợn thì bị mọi người nói là tiết kiệm”, ông Nguyễn Gia Kim (77 tuổi, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Yên Trường) nói và kể thêm, không chỉ mùng 4 Tết, những ngày thường, gia đình nhà nào có việc hiếu hỉ, tổ chức cỗ, bàn cũng thường có đĩa ăn thịt chó trong mâm cỗ.
“Cách đây khoảng 10 năm, cỗ cưới ở làng sử dụng hoàn toàn bằng thịt chó. Nhưng giờ đây, thịt chó chỉ là một món trong mâm cỗ thôi, gia đình có việc vẫn chuẩn bị thêm các món khác từ gà, vịt, bò... Dân làng không ép bất cứ ai phải ăn thịt chó, nhưng người làng thì đa phần đều thích ăn thịt chó”, ông Kim kể.
Trước một số ý kiến cho rằng, ăn thịt chó không văn minh, gây phản cảm, ông Kim cho rằng: Nếu là động vật quý hiếm bảo tồn thì chúng ta không nên ăn, còn chó thì không nằm trong danh sách đó. “Chó hay lợn gà, đều như nhau cả, chó nuôi để giữ nhà nhiều quá thì làm thực phẩm”, ông Kim nói và khẳng định, ăn thịt chó vào dịp nhà có việc, dịp lễ Tết là truyền thống của thôn, không bỏ được.
Tương tự, ông Trình Văn Dực (74 tuổi, ở xóm Nhật Tiến, thôn Yên Trường, xã Trường Yên) cũng là cụ từ trông nom đình làng thôn Yên Trường cho hay, tục ăn thịt chó của người dân nơi đây có từ ngày xưa. Nếu như người nơi khác cho rằng, ăn thịt chó là “đen, xui” và kiêng ăn vào đầu năm, đầu tháng, vào những sự kiện lớn của đời người, thì người Yên Trường lại quan niệm ngược hẳn, thịt chó là để lấy may. “Chúng tôi quan niệm thịt chó đơn thuần là món ăn ngon, nhiều đạm và lạ miệng ngày đầu năm. Quan trọng hơn, nó là lệ làng, là truyền thống từ xưa đến nay vẫn được duy trì”, ông Dực nói.
Theo Lưu Huế/Báo Giao Thông

>> xem thêm

Bình luận(0)