Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi đến ngày giỗ hay dịp 27/7, những người đồng đội trong đơn vị Cảnh sát PCCC, Cứu hộ - cứu nạn TP HCM đều đến nghĩa trang Thành phố và tư gia của hai liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà ở quận 8 (TP HCM) để thắp hương tưởng nhớ, thăm hỏi, chia sẻ cùng người thân của hai anh. Hai liệt sĩ từng là lính cứu hộ công tác trong lực lượng Cảnh sát PCCC TP HCM hy sinh khi làm nhiệm vụ phối hợp với CSHS Công an TP HCM khám phá vụ án vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại.
|
Mộ phần 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà an táng tại nghĩa trang Thành phố. |
Mời độc giả xem video clip người thân xem lại kỷ vật của liệt sĩ Võ Quang Hà:
Ra đi khi con mới biết gọi tiếng “ba”
Gần 5 năm qua, kể từ khi cha mẹ lần lượt qua đời, chị Võ Thị Ngọc Trân là người thay gia đình lo nhang khói cho anh trai của mình –
Liệt sĩ Võ Quang Hà.
|
Đám tang của 2 chiến sĩ cứu hộ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà, hy sinh khi làm nhiệm vụ mò tìm khẩu súng dưới sông Sài Gòn trong vụ án Thanh Nga năm 1979 (ảnh tư liệu gia đình). |
“Gia đình có 4 anh chị em và anh Hà là người được ba mẹ kỳ vọng, tự hào nhất khi anh được tuyển chọn vào hàng ngũ chiến sĩ Cảnh sát PCCC, thường xuyên cùng đồng đội tham gia việc cứu người và tài sản trong các thảm họa cháy, nổ, đuối nước... Ngày anh Hà hy sinh, tôi chỉ mới được 3 tuổi và đứa con gái duy nhất của anh cũng vừa tròn 1 tuổi”, chị Trân kể lại.
Trong ký ức của đứa bé khi đó mới lên 3 cũng như từ lời kể của người thân, chị Trân nhớ lại thời khắc gia đình nhận được hung tin anh trai của mình hi sinh khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ mò khẩu súng mà các đối tượng sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga khai vứt xuống cầu Bình Lợi, mẹ của chị đã ngã quỵ, luôn miệng gọi tên đứa con hiếu thảo với cha mẹ, sống có tình với đồng đội và trách nhiệm với công việc.
|
Vợ con bên quan tài và di ảnh tại đám tang liệt sĩ Võ Quang Hà năm 1979 (ảnh tư liệu gia đình). |
Theo chị Trân thì gia đình của mình không có ai theo ngành Công an. Tuy nhiên lúc còn nhỏ, anh Hà đã đam mê và ước mơ lớn lên sẽ làm lính cứu hỏa. Niềm mơ ước của cậu bé sống ở vùng sông nước Bến Bình Đông, quận 8 sớm thành hiện thực khi trong đợt thi tuyển, anh đã trúng tuyển và được nhận vào công tác tại đơn vị cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TP HCM.
Chị Trân cho biết anh trai của mình lập gia đình sớm và có người con gái duy nhất sinh năm 1978. “Khi cháu mới biết bi bô tiếng “ba” thì người cha đã ra đi vĩnh viễn”, chị Trân nghẹn ngào nói.
Hiện người con gái duy nhất của liệt sĩ Hà đã theo mẹ sang định cư tại Pháp và đã lập gia đình. Mỗi khi trở về thăm quê hương, con gái liệt sĩ Hà thường đưa các con đến viếng mộ ông ngoại và cô luôn tự hào về sự hy sinh của cha mình.
Hy sinh giữa thời bình
Đã 38 năm sau ngày anh Võ Quang Hà và anh Nguyễn Văn Bảy hy sinh khi làm nhiệm vụ ở sông Sài Gòn vì mò trúng lựu đạn, những người lính cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM vẫn chưa thể nguôi ngoai niềm tiếc thương. "Một bài học mà chúng tôi đã phải đánh đổi quá lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tốt - người được coi là anh cả của đội cứu hộ nói.
|
Đồng đội đưa các anh về nghĩa trang Thành phố an nghỉ năm 1979 (ảnh tư liệu gia đình). |
Giữa năm 1977, Sài Gòn xảy ra vụ bắt cóc con trai của vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương ngay tại khu vực nhà trẻ Vườn Hồng thành phố. Sau nhiều lần uy hiếp, nhóm tội phạm đã chấp nhận trả cháu bé 5 tuổi với khoản cược 20 lượng vàng. Gần một năm sau, thành phố lại rúng động khi xảy ra vụ trọng án khác liên quan đến giới văn nghệ sĩ. Vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị bắn chết trên chiếc Volkswagen sơn màu xám nhạt khi vừa dừng xe trước cổng nhà. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của nữ nghệ sĩ tài hoa được xác định là từ khẩu súng P38.
Trong lúc cảnh sát đang cấp tập điều tra, nhóm tội phạm này tiếp tục ra tay bắt cóc con trai của bác sĩ Lã Hỷ. Từ đây, chân tướng của một băng tội phạm nguy hiểm được phác họa.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều tháng công an ròng rã tầm nã gắt gao, cuối cùng Nguyễn Thanh Tân, thủ phạm chính của hàng loạt vụ án trên và đồng phạm liên quan bị bắt. Trong các bản cung, với bản chất lì lợm và gian ác, trước sau Tân đều khai đã vứt khẩu súng P38 xuống sông Sài Gòn khi chở đồng bọn Nguyễn Văn Hóa chạy trốn trên cầu Bình Lợi. Cảnh sát xác định đây là khẩu súng mà hung thủ đã dùng khi sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Để vững chắc chứng cứ buộc tội chúng, lãnh đạo CQĐT chỉ đạo bằng mọi giá phải tìm được khẩu P38. Hơn 10 chiến sĩ cứu hộ cứu nạn của Phòng Cảnh sát PCCC được tuyển chọn kỹ càng nhận lệnh đến cầu Bình Lợi để tìm vật chứng.
|
Rất đông người dân và đồng đội đưa tiễn chiến sĩ Bảy và Hà về Nghĩa trang Thành phố năm 1979 (ảnh tư liệu gia đình). |
Trời tháng 4, nước sông Sài Gòn chảy xiết. Các anh Nguyễn Ngọc Tốt, Ngô Văn Út, Nguyễn Văn Bảy, Võ Quang Hà… thay phiên nhau ngụp lặn dưới dòng sông sâu, có đoạn tới 30m. Tổ cứu hộ lặn suốt nhiều ngày đêm vẫn không có kết quả.
Đến buổi chiều ngày lặn tìm thứ 3 (ngày 12/4/1979), hai chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà ôm dây bảo hiểm trầm mình xuống sông ngay phía chân cầu Bình Lợi để làm nhiệm vụ. Thời gian trôi qua khá lâu, các đồng đội trên bờ dõi theo trong trạng thái hồi hộp... nhưng vẫn không thấy anh Bảy và anh Hà ngoi lên mặt nước. Dưới độ sâu tới 30m ấy, chất nổ dưới chân cầu (còn sót lại sau chiến tranh) đã phát nổ, hai chiến sĩ cứu hộ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà đã anh dũng hy sinh.
“Vụ án Thanh Nga” khép lại và bọn tội phạm đã phải trả giá đắt cho tội ác của mình với 2 bản án tử hình (Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Văn Đức); 1 bị bắn chết tại hiện trường (Lê Văn Giỏi) và 1 bị bắn trọng thương (Nguyễn Văn Hóa).
|
Vụ án xảy ra vào đêm 26/11/1978, khiến "nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga và người chồng tử nạn.
|
Điều đáng nói là lời khai của tên Tân chỉ là giả dối, y đánh lừa cơ quan điều tra hòng thoát tội sát hại nghệ sĩ Thanh Nga. Cuối cùng, ban Chuyên án đã thu được khẩu P38 ngay dưới hầm cầu, trong nhà em của Nguyễn Thanh Tân.
Tuy nhiên, chính lời khai ấy đã cướp đi thêm sinh mạng của 2 chiến sĩ ngay giữa thời bình.