Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết giá bộ test nhanh kháng nguyên (test nhanh) COVID-19 nhập khẩu nếu mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng), nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.
Thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận khi thực tế hiện nay các bệnh viện đều đang thu phí test dao động 150.000-230.000 đồng/test.
|
Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2
|
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, chuyên gia Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, trước thông tin của ông Đặng Hồng Anh phát hiện về giá bộ test nhanh kháng nguyên 1,5 USD, các cơ quan quản lý cần kiểm tra, xác thực thông tin trên.
“Bộ Y tế cần xem thông tin trên có đúng không và cho kiểm tra. Bây giờ kiểm tra cũng rất dễ bằng công nghệ thông tin. Về mặt giá cả, chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường, có thể có sự chênh lệch nhau nhưng chênh lệch thế nào lại là vấn đề quản lý Nhà nước. Chúng ta theo cơ chế thị trường, phải chấp nhận quy luật thị trường nhưng lại định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Bộ Y tế phải vào cuộc kiểm tra, nhất là vấn đề giá cả được dư luận nêu lên có hay không?” - PGS.TS Bùi Thị An nêu ý kiến.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, so sánh giá cần phải so sánh cùng chủng loại, cùng tiêu chí kỹ thuật, cùng công nghệ.
“Bộ Y tế chủ quản cần vào cuộc kiểm tra thông tin trên làm thế nào để tuân thủ quy luật thị trường, chênh lệch giá ở mức chấp nhận được, phù hợp với tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả” - bà An nói và cho biết, Luật giá đã quy định tại Điều 10, khoản 2, do đó Bộ Y tế cũng cần kiểm tra xem có hay chăng chuyện lợi dụng dịch bệnh để nâng giá.
Nêu ý kiến về thông tin trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng thông tin từ ông Đặng Hồng Anh cũng chỉ nghe nói giá như vậy, chưa thể khẳng định được giá là như thế.
“Có khi họ báo giá như thế nhưng khi đàm phán không phải giá như vậy, có thể thấp hơn hoặc cao hơn, cộng với các chi phí như vận chuyển, chi phí hoạt động của công ty, chi phí phân phối…” - đại biểu Hòa nói và cho rằng: "Ông Đặng Hồng Anh đưa ra thông tin và đề xuất như vậy, Bộ Y tế cũng nên ghi nhận ý kiến đó để có sự kiểm tra, làm sao để đảm bảo sự hợp lý, tiết kiệm, công bằng trong cung ứng vật tư y tế, bộ test nhanh cho người dân."
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tình hình dịch COVID-19, chúng ta mua nhiều trang thiết bị vật tư y tế, trong đó có kit test xét nghiệm nhanh COVID-19, do tình hình cấp thiết nên giá hiện nay rất khó đoán.
“Nếu ngành y đặt đạo đức lên đầu, lương y như từ mẫu, người ta sẽ không ăn chênh lệch, sẽ trung thực, minh bạch, khách quan. Tuy nhiên, nếu chỉ cần móc nối, thông đồng với doanh nghiệp nhập, nâng giá lên chút ít thì lợi nhuận rất cao.
Như ông Đặng Hồng Anh cho rằng, tại sao giá nước ngoài thấp, giá trong nước nhập về lại cao, theo tôi nên cho doanh nghiệp nhập dưới sự kiểm soát của cơ quan y tế. Làm sao cho tiết kiệm nhất cho ngân sách nhà nước. Tránh kẻ gian lợi dụng dịch bệnh để nâng khống giá vật tư y tế, dẫn đến Ngân sách thất thoát” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Trả lời PV, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện có hơn 90 loại test nhanh kháng nguyên trong nước và nhập khẩu. Mỗi loại có một giá khác nhau, có loại thấp tầm 120.000 đồng/test nhưng cũng có loại bán với giá 500.000 đồng/test. Giá bán do công ty sản xuất quy định và chịu trách nhiệm về giá. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định.
Bộ Y tế không đàm phán cũng như kiểm soát giá thiết bị y tế này, do chưa có quy định. Test nhanh COVID-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường. Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá, còn giá xét nghiệm do DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm.
Theo tìm hiểu và theo danh sách các đơn vị cung cấp sản phẩm test nhanh và test Realtime RT-PCR (test PCR) do Bộ Y tế công bố (đã đăng ký và được cấp phép), tính đến tháng 8/2021, Việt Nam có hơn 20 đơn vị sản xuất và nhập khẩu thiết bị test nhanh, hơn 30 nhà sản xuất, nhập khẩu cung cấp thiết bị test PCR.
Đa số thiết bị test này được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Trong đó, sản phẩm test nhanh nhập khẩu, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng có đơn giá dao động 79.000-200.000 đồng/test, sản phẩm sản xuất trong nước có giá khoảng 100.000 đồng/test. Còn các sản phẩm test PCR có giá bán trong khoảng 300.000-600.000 đồng/test.
Mới đây, Bộ Y tế có Công văn số 7952/BYT-TTrB ngày 23/9 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Tại công văn này, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Đồng thời, sở Y tế các tỉnh, thành và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19; cũng như việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.
Ngày 28/9, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các sở Y tế, các đơn vị trực thuộc khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, các đơn vị cần có kế hoạch triển khai mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm COVID-19 đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người lao động đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm COVID-19: