Chỉ định Công ty Sông Đà làm cao tốc Bắc Nam: Ưu ái “con cưng“?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông trong khi doanh nghiệp này đang có những khoản nợ lớn khiến dư luận băn khoăn về việc ưu ái "con cưng" sẽ ảnh hưởng đến dự án.

Mới đây, sau khi Chính phủ có chủ trương chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP sang đầu tư công, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Thủ tướng. Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp này đang đứng trước những khoản nợ lớn. Nợ phải trả của Tổng công ty tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính (3 lần).
Chi dinh Cong ty Song Da lam cao toc Bac Nam: Uu ai “con cung“?
 Ảnh minh họa.
Tình hình công nợ của Tổng Công ty Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết. Trong đó, nợ phải thu tại Công ty CP Xi măng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng…
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, ông không đồng tình chỉ định thầu vì theo quy định luật pháp phải đấu thầu.
"Trong việc chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp và đồng thời không dễ rà soát được đối tượng chỉ định thầu đó có đúng hay không. Có những doanh nghiệp khi làm đường treo bảng biển bảo hành 5 năm, và thực tế sau 5 năm con đường đó vẫn rất đẹp thì có nên chỉ định thầu những đối tượng đó không? Bây giờ chỉ định doanh nghiệp thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế nên tôi hoàn toàn không đồng tình" – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.
Theo Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình, quy định luật pháp là công khai minh bạch, khuyến khích cạnh tranh. Tại các dự án đầu tư có thể chỉ định thầu hoặc đấu thầu công khai, vì thế hồ sơ thầu khi đưa ra phải nêu những tiêu chí rõ ràng cụ thể tránh lợi ích nhóm, đảm bảo chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực chuyên môn trong thi công, vốn.
Nói về tình hình của Tổng công ty Sông Đà, hiện không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, đại biểu Phương cho rằng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không nên có giải pháp đầu tư, giúp đỡ và tạo điều kiện thì không công khai minh bạch, đây có thể là biểu hiện chạy chọt và lợi ích nhóm. Đồng thời, đại biểu Phương nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần xem lại trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị khi để tồn tại, xảy ra tình trạng nợ quá lớn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần tổ chức đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư đủ năng lực, không nên chỉ định doanh nghiệp nhà nước làm dự án vì rất dễ phát sinh tiêu cực, khó có dự án chất lượng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh khi nêu ý kiến về việc Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu cho Tổng Công ty sông Đà làm một số đoạn cao tốc Bắc Nam nhưng hiện nay, doanh nghiệp này đang có khoản nợ rất lớn với 11.000 tỷ đã nói rằng, đây là việc của Chính phủ, khi triển khai thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, hiện có 2 hình thức: Một là đấu thầu, hai là chỉ định thầu. Về nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu vì sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu. Nhưng cũng có trường hợp có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Còn chỉ định ai thì phải đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu. Nếu đơn vị được chỉ định làm trễ hẹn, người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm.
"Muốn chỉ định thầu, phải xác định được tiêu chí để chỉ định. Đấu thầu cũng như vậy, anh phải xác định được tiêu chí, thứ nhất phải có năng lực thi công, thứ 2 phải có năng lực tài chính. Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu để thi công? Rõ ràng đây là câu chuyện hồ sơ mời thầu và người quyết định hồ sơ mời thầu, phải chịu trách nhiệm về điều đó. Đây là việc của người quyết định. Còn tôi cho rằng, một người có đầy đủ, khoẻ mạnh bao giờ cũng tốt hơn người bị khiếm khuyết" – đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hơp bất khả kháng, vì hình thức này làm triệt tiêu tính cạnh tranh và dễ nảy sinh tiêu cực.
“Chỉ định thầu chỉ định doanh nghiệp yếu kém, nợ nần, thua lỗ, rõ ràng có sự khuất tất, lợi ích nhóm… không vì sự phát triển chung. Muốn phát triển, muốn xây dựng được công trình chất lượng với giá cạnh tranh chỉ có đấu thầu công khai minh bạch để lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp rất cấp bách, cần triển khai nhanh, có thể phải chỉ định thầu nhưng phải chọn những doanh nghiệp đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính làm dự án. Doanh nghiệp yếu kém làm ăn thua lỗ mà lại được giao chỉ định thầu thì không hợp lý…” - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Tránh thông thầu, tiêu cực trong triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam
Thảo luận tại tổ TPHCM sáng 9/6 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc chuyển hình thức đầu tư sang dùng vốn ngân sách sẽ tạo động lực, sức sống cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nghĩa, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, tránh tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu, để nhà thầu không đủ năng lực tham gia, đồng thời tạo cơ chế để nhà đầu tư trong nước liên kết được với nhau đầu tư. Trường hợp chỉ định thầu thì việc này chỉ thực hiện nếu phương án đó là tối ưu, mang tính hợp lý cao, song cũng cần phải kiểm tra, giám sát, tránh để tình trạng chạy chọt tham gia dự án.
>>> Mời độc giả xem video Cao tốc Bắc Nam: triển khai vẫn còn thách thức

Nguồn: VTV 24 

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)