Đoạn clip "bắt vợ" xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang gây xôn xao dư luận khi được cho rằng đó là phong tục của đồng bào dân tộc H'Mông. Đáng chú ý, nội dụng của đoạn clip thể hiện việc một nam thiếu niên trẻ đã có hành động cưỡng ép, bạo lực khi kéo, bắt một cô gái dù người này cự tuyệt nhưng vẫn bị lôi đi với mục đích bắt về nhà làm vợ. Khi nam sinh này đang chật vật để kéo cô gái đi thì một chiến sĩ công an địa phương đã có mặt kịp thời giải cứu cô gái.
|
Ông Vương Duy Bảo chia sẻ vấn đề với PV Báo Tri thức và Cuộc sống. |
Ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cháu nội "Vua mèo" Vương Chí Sình (tỉnh Hà Giang) đã có những chia sẻ cùng Báo Tri thức và Cuộc sống.
PV: Những ngày vừa qua, dư luận đang xôn xao về đoạn clip nam thanh niên trẻ tuổi người H’Mông “bắt vợ” là một em gái với hành động bạo lực. Đây có phải là phong tục của đồng bào dân tộc H’Mông, thưa ông?
Ông Vương Duy Bảo: Phải khẳng định rằng người H’Mông ở Việt Nam và trên thế giới không có phong tục “bắt vợ”. Vì vậy, không thể gọi “bắt vợ” là phong tục hay hủ tục. Đồng bào dân tộc H’Mông có một phong tục rất đẹp đó là “kéo vợ”.
PV: Tục “kéo vợ” là như thế nào, thưa ông?
Ông Vương Duy Bảo: Xuất phát từ những thủ tục cưới hỏi của người H’Mông rất phức tạp, kéo dài, rườm rà nên trong xã hội người H’Mông đã cho phép tồn tại phong tục “kéo dâu”.
Tức là người con trai và người con gái nếu có tình yêu với nhau thì sẽ hẹn hò ở một địa điểm nào đó để người con trai cùng nhóm bạn của mình đến đón cô gái về nhà làm vợ. Khi đến đón, người con trai phải nắm tay cô gái để đưa về.
Về đến nhà, bố của người con trai bắt con gà trống nuôi trong nhà và quay xung quanh trên đầu cô gái để thông báo với tổ tiên rằng cô gái đã chính thức làm con dâu và gia đình sẽ làm mâm cơm ăn mừng. Ngay sau đó, gia đình chú rể sẽ sang nhà cô gái báo tin. Lúc này, nhà cô gái đồng ý ngay vì con của họ đã có được tình yêu tự nguyện chứ không phải bắt buộc, cưỡng ép.
Do đó, hành vi dùng vũ lực, mạnh tay, cưỡng ép bé gái để mang về nhà làm vợ của nam thanh niên trong đoạn clip là sai trái, biến tướng, cần phải lên án.
PV: Vụ việc trên không phải là hiếm, trước đấy đã từng xuất hiện nhiều clip ghi nhận lại các hành vi “bắt vợ” tương tự, ông đánh giá sao về thực trạng này?
Ông Vương Duy Bảo: Tôi rất vui và mừng cho bé gái vì đã thoát khỏi sự cưỡng ép thô bạo, cố tình xâm phạm đến thân thể của nam thanh niên. Nhưng tôi mừng hơn nữa khi cán bộ công an xã đã trực tiếp giải vây cho cô bé, điều này có nghĩa đã có những cán bộ, những người hiểu đúng và trúng văn hóa của người đồng bào dân tộc H’Mông. Nhưng tôi cũng rất buồn vì một bộ phận người chưa hiểu hết khi luôn cho rằng đây là phong tục của dân tộc H’Mông, thậm chí nó là hủ tục.
Bởi vậy, trước đó có một số trường hợp các bé gái, cô gái người H’Mông ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái... bị một số thanh niên cưỡng ép đưa về nhà ngay giữa đường nhưng chẳng ai dám can thiệp, ngăn cản vì họ không hiểu rằng đó là hành vi trái pháp luật và đó không phải là phong tục của dân tộc H’Mông.
Đây là một lỗ hổng, lỗi thiếu sót của ngành văn hóa và ngành thông tin truyền thông của tại một số địa phương có người H’Mông sinh sống, nhất là tỉnh Hà Giang khi chưa tuyên truyền hiệu quả và sâu sát việc “bắt vợ” là hành vi vi phạm pháp luật và người H’Mông không có phong tục này. Để khi họ gặp tình huống “bắt vợ” thì sẽ ra tay giúp đỡ, can thiệp, giải vây cho các cô gái, tránh bị xâm hại thân thể, danh dự, nhất là thoát khỏi các đối tượng lợi dụng để bắt cóc, mưu đồ xấu.
PV: Các clip ghi lại việc “bắt vợ” đều là những người dân tộc H’Mông tham gia. Liệu rằng chính một bộ phận người H’Mông đang làm méo mó đi bản chất của tục “kéo dâu” như ông kể trên?
Ông Vương Duy Bảo: Đúng là những người tham gia “bắt vợ” và bị bắt đều là người H’Mông nhưng hiện tượng, vụ việc này không xảy ra nhiều, không phổ biến mà chỉ lác đác.
Có thể một số thanh thiếu niên người H’Mông vô tình hoặc cố tình lợi dụng phong tục để làm bậy, bôi xấu dân tộc mình hoặc có thể bị xúi giục, lợi dụng từ các thành phần xấu của xã hội.
Dù vậy, chính quyền địa phương và các ngành văn hóa, thông tin truyền thông cần phải tuyên truyền phổ biến rộng rãi những nét đẹp văn hóa của dân tộc người H’Mông và bài trừ sự biến tướng, lợi dụng và cần xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng lợi dụng văn hóa, phong tục để bôi xấu, xâm hại lợi ích của người khác.
Xin cảm ơn ông!
Qua xác minh ban đầu, nam thiếu niên trong clip "bắt vợ" gây xôn xao dư luận mới chỉ 16 tuổi. Hiện chính quyền địa phương đã mời người này lên làm việc, nhắc nhở.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Vụ bé gái H’Mông bị nam sinh lớp 10 bắt làm vợ ở Hà Giang: MXH tranh cãi hủ tục người H’Mông