Cấm ghi âm, ghi hình tại tòa: Hạn chế quyền tiếp cận thông tin

Google News

Phiên tòa xét xử công khai, nhưng phóng viên bị cấm ghi âm, ghi hình.... Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc này đã hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí, cần sửa đổi.

Từ ngày 15/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và 11 bị cáo trong vụ án Việt Á.
Đáng chú ý, theo một số nhà báo dự, đưa tin phiên xét xử trên cho biết, các phóng viên dự tòa bị cảnh sát cấm mang máy tính xách tay, thiết bị điện tử vào nơi tác nghiệp. “Đồ nghề” để tác nghiệp mà các phóng viên được phép sử dụng chỉ là giấy và bút.
Trước khi xét xử, chủ tọa Phạm Văn Tuyển thông báo, nhà báo hoặc bất cứ ai nếu ghi âm, ghi hình phiên tòa sẽ bị xử lý nghiêm và yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát.
Cam ghi am, ghi hinh tai toa: Han che quyen tiep can thong tin
Phóng viên chỉ được ghi chép bằng giấy bút, sau đó ra ngoài dùng máy tính gõ lại để viết tin, bài (Ảnh: Tiền Phong) 
Chỉ chép tay tại tòa, khó tác nghiệp...dễ dính rủi ro
Nhà báo Vũ Liễu (Báo điện tử VTC News) cho biết, việc cấm nhà báo ghi âm, ghi hình, chỉ ghi chép bằng giấy bút không chỉ phiên tòa trên mà một số phiên tòa cũng áp dụng, nhất là các đại án được dư luận quan tâm.
Theo nhà báo Liễu, việc nhà báo không được ghi âm, ghi hình không chỉ khó khăn khi tác nghiệp mà còn có thể gặp “rủi ro” nếu không có tư liệu, tài liệu ghi lại trong phiên tòa. Nếu người có nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa có ý kiến hoặc kiện nội dung thông tin thì nhà báo cũng không có gì để chứng minh.
Nhà báo Vũ Liễu dẫn một ví dụ, khi tòa xét xử, có đoạn lời khai quan trọng của bị cáo nhưng báo chí chép tay không kịp, khi rời khỏi phòng tác nghiệp, các phóng viên hỏi nhau, thấy không khớp nên không ai dám đưa vào bài. Từ đó cũng làm hạn chế việc tiếp nhận thông tin, diễn biến phiên xét xử của độc giả.
Kể về khó khăn khi tác nghiệp tại phiên tòa không được ghi âm, ghi hình, nữ nhà báo cho biết, hệ thống âm thanh ở tòa nhiều khi không rõ, các phóng viên không thể nghe thấy chủ tọa và bị cáo nói gì. Dù sau đó được điều chỉnh âm thanh nhưng việc ngồi nghe, ghi chép đuổi theo lời bị cáo khai tại tòa cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, khi tác nghiệp tại tòa, nếu chỉ chép tay chỉ có thể gạch ý để kịp viết đuổi theo lời khai khác, dẫn đến khi viết bài, phóng viên không thể đảm bảo thông tin mình vừa tiếp nhận là chính xác.
Bên cạnh đó, khi tác nghiệp với những hàng ghế tại tòa không có chỗ tựa lưng, việc cúi người, ghi chép cũng rất khó khăn. Có tòa bố trí phòng xử ở tầng 2 nhưng phóng viên phải gửi máy tính, điện thoại tại tầng 1. Khi có tình tiết cần đưa tin, phóng viên phải chạy xuống tầng 1, khai báo với bộ phận an ninh để lấy máy tính rồi ngồi vạ vật ngay tại sảnh để viết tin bài. Khi muốn tiếp tục theo dõi phiên tòa lại quay lại quy trình đăng ký gửi máy tính, điện thoại. Vì vậy rất mất thời gian và sẽ lọt thông tin phiên tòa.
Nhà báo Quỳnh An cho rằng, các phiên tòa xét xử công khai, theo quy định, nhà báo được quyền tác nghiệp và việc sử dụng các công cụ hỗ trợ là để cho thông tin được chính xác, khách quan, đảm bảo cho việc hậu kiểm. Do đó, việc không cho nhà báo ghi âm, ghi hình có dấu hiệu vi phạm luật báo chí.
Thực tế, các phóng viên chỉ được ghi chép tại tòa sẽ không thể theo kịp lời nói của chủ tọa, bị cáo và những người tham gia tố tụng. Không có công cụ ghi âm để hậu kiểm lại dễ dẫn đến sai sót, thiếu nội dung, khó phản ánh đầy đủ nội dung phiên toà, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin, tính khách quan, chính xác của thông tin.
Theo nhà báo Quỳnh An, việc phóng viên đưa tin tại tòa nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, trong các đại án kinh tế tham nhũng được dư luận quan tâm, Trung ương chỉ đạo. Việc thông tin diễn biến các phiên tòa này có tác động rất lớn tới xã hội. Cùng với đó, hiện các cơ quan chức năng luôn chú trọng đẩy mạnh công nghệ số, số hóa. Nhưng báo chí lại bị “kìm kẹp” với sách, bút dẫn đến tính thời sự không được đảm bảo, kịp thời.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp tại tòa
Tháng 4/2024, khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, tại Khoản 3 Điều 141 dự thảo luật quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa".
Quy định tại dự thảo này sau đó nhận được ý kiến trái chiều. Nêu ý kiến góp ý dự thảo luật trên, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình.
Cam ghi am, ghi hinh tai toa: Han che quyen tiep can thong tin-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường 
Nêu ý kiến về việc một số phiên tòa cấm nhà báo ghi âm, ghi hình, chỉ được chép tay bằng giấy, bút, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nội quy phiên tòa có những nội dung chưa phù hợp, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Theo luật sư Cường, đối với hoạt động báo chí tại phiên tòa sẽ thực hiện theo Luật Báo chí và theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa hình sự được thực hiện theo Luật báo chí, Bộ luật Tố tụng hình sự và theo quy định tại Điều 4 Nội quy phiên Tòa ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-CA về Nội quy phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành cụ thể.
Theo đó, Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án.
Về nguyên tắc, báo chí được quyền tiếp cận thông tin, đưa tin về hoạt động tư pháp, phản ánh dư luận xã hội. Luật tiếp cận thông tin cũng cho phép mọi công dân có quyền tiếp cận những thông tin công khai, trừ những thông tin mật. Pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đều phải tuân thủ một nguyên tắc hiến định là công khai, công bằng, dân chủ. Tòa án xét xử công khai và mọi người từ 16 tuổi trở lên đều có quyền tham dự phiên tòa.
Những quy định của các văn bản luật phải phù hợp với hiến pháp và những văn bản dưới luật phải phù hợp với luật và Hiến pháp. Thông tư quy định trao quyền cho chủ tọa phiên tòa được quyền quyết định hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa, điều này không đồng nghĩa với việc chủ tọa có quyền cấm hay cản trở hoạt động báo chí tại phiên tòa.
Tuy nhiên, hoạt động tác nghiệp của báo chí không được làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, không gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của hội đồng xét xử. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có hướng dẫn về cách bố trí phiên tòa, theo đó xác định vị trí tác nghiệp của báo chí. Đối với những vụ án phức tạp, thời gian xét xử kéo dài, tòa án có thể bố trí các cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp tại khu vực riêng để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của hội đồng xét xử.
Thời gian qua, hoạt động báo chí đưa tin diễn biến phiên tòa tại các phiên xét xử những vụ án về phòng chống tham nhũng rất kịp thời, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của đông đảo người dân, thể hiện tính công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp và góp phần thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động tư pháp.
Đưa tin phiên tòa còn là hoạt động tuyên truyền pháp luật, giúp nhiều người hiểu hơn về thủ tục tố tụng, về quy trình giải quyết một vụ án và hậu quả pháp lý mà người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu, mang tính chất răn đe phòng ngừa chung đối với xã hội.
Trong thời gian qua, hoạt động báo chí trong các phiên tòa được dư luận xã hội quan tâm là rất kịp thời. Những thông tin báo chí công khai góp phần tuyên truyền pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Đồng thời, thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thể hiện tính công khai dân chủ trong hoạt động xét xử và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp được thực hiện trên thực tế.
Tuy nhiên, không phải phiên tòa nào chủ tọa phiên tòa cũng đồng ý cho các nhà báo ghi âm, ghi hình. Do các quy định về quyền tự do hình ảnh, bí mật đời sống riêng tư và còn có những quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền, giới hạn quyền trong việc thực hiện quyền tự do báo chí và quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân dẫn đến còn có những quan điểm khác nhau, thậm chí tranh cãi về việc chủ tọa có quyền cấm nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.
Đây là vấn đề mà dư luận xã hội đang rất quan tâm. Các quyền tự do dân chủ trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin và quyền được bảo vệ về hình ảnh, về bí mật đời tư cá nhân là những quyền cơ bản được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận.
Giới hạn của quyền tự do này chính là quyền tự do khác, bởi vậy những văn bản dưới luật cần phải cụ thể chi tiết để xác định những điểm giới hạn đó, sao cho các quyền tự do dân chủ được thực hiện một cách đầy đủ nhất, hướng đến bảo vệ tốt nhất các quyền của công dân cũng như là cơ sở để thực hiện các quyền cơ bản của công dân trên thực tế.
Về nguyên tắc xét xử công khai là mọi người đều có quyền tham dự, đây là nguyên tắc hiến định và là căn cứ để thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Việc tòa án tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa, kịp thời có những thông tin, hình ảnh về diễn biến phiên tòa để những người không có cơ hội trực tiếp tham dự phiên tòa được tiếp cận với thông tin về hoạt động tư pháp là một nhu cầu rất chính đáng, một việc làm có ý nghĩa, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác xét xử.
Bởi vậy, cần hoàn thiện chính sách pháp luật và có những quan điểm nhận thức thống nhất, đúng đắn, khoa học, hợp lý để thể hiện sự văn minh tố tụng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền giám sát, đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai và các quyền tự do dân chủ, quyền tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa.
Theo luật sư Cường, đối với những phiên tòa được dư luận quan tâm, hoạt động báo chí chuyển tải kịp thời những thông tin diễn biến phiên tòa cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật, là hình thức tuyên truyền pháp luật và thể hiện quyền uy của tòa án trong hoạt động tư pháp.
Khi hoạt động báo chí được đảm bảo, quyền tiếp cận thông tin được thực hiện, tính công khai tại phiên tòa được thể hiện qua nội dung truyền tải của báo chí thì hoạt động giám sát của cử tri, của nhân dân đối với hoạt động tư pháp được đảm bảo, xã hội sẽ dân chủ hơn, công bằng hơn, tính công khai minh bạch trong hoạt động tư pháp được đảm bảo tốt hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)