Sáng 8/6, lãnh đạo Bệnh viện TW Huế cho biết, các y, bác sĩ vừa tiến hành ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân từ tạng của người hiến tặng đã chết não. Đây cũng là ca hiến tạng sau khi chết não đầu tiên tại miền Trung - Tây Nguyên.
Theo đó, ngày 3/6, Phòng Điều phối ghép tạng – Bệnh viện TW Huế tiếp nhận nguyện vọng hiến tạng từ gia đình của bệnh nhân đang điều trị tại khoa Gây mê hồi sức B. Người hiến là bệnh nhân nam 33 tuổi (thường trú Thừa Thiên Huế), không may mắc bệnh hiểm nghèo, hôn mê sâu, tình trạng bệnh rất nặng, tiên lượng tử vong.
|
Các y, bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người hiến tặng. |
Dưới sự chỉ đạo của GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện TW Huế, các bác sĩ đã tận lực điều trị tích cực, theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân không thay đổi trong quá trình hồi sức. Ngay sau đó, Hội đồng đánh giá chết não của Bệnh viện TW Huế tiến hành các xét nghiệm và đánh giá lâm sàng xác định bệnh nhân đã chết não vào ngày 4/6.
Theo Bệnh viện TW Huế, em họ của bệnh nhân cũng là một trong số những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận định kỳ tại bệnh viện và đăng ký chờ đợi cơ hội được ghép thận. Thấu hiểu sự mong mỏi của các bệnh nhân cần ghép thận, gia đình có ý nguyện hiến thận để cứu sống người em và các bệnh nhân khác.
|
Y, bác sĩ Bệnh viện TW Huế phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân. |
Hội đồng ghép thận của Bệnh viện TW Huế sau đó đã họp để chọn bệnh nhân nhận thận trong danh sách chờ ghép và có chỉ số phù hợp.
Đúng 13h30 ngày 5/6, ca phẫu thuật ghép thận cho 2 người nhận đồng thời diễn ra và đã có nước tiểu tại bàn mổ sau khi ghép, hiện tại sức khỏe đã ổn định. Cùng lúc đó, đội ngũ y bác sĩ sắp xếp chuẩn bị đưa người hiến về với mẹ cha, gia đình.
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện TW Huế cho biết, đây là trường hợp hiến tạng sau khi chết não đầu tiên tại Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp của đại gia đình người hiến sẽ góp phần thay đổi cách nhìn cũng như quan điểm về hiến tạng sau khi chết để những bệnh nhân suy tạng có thể được cứu sống nhiều hơn nữa.
"Chỉ khi tất cả mọi người cùng thay đổi suy nghĩ thì mới làm lan tỏa mạnh mẽ những tấm lòng thiện nguyện, thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái vốn luôn có trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam chúng ta", GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.