Sáng ngày 5/6, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ lo ngại về thực trạng giao dịch mua đất đai khá phức tạp tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) – những nơi sắp trở thành đặc khu. Đáng chú khi, theo đại biểu Tiến, có thông tin người nước ngoài đã mua đất ở khu vực này.
Đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu có thêm thông tin trước khi ấn nút thông qua Dự án Luật đặc khu kinh tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, người nước ngoài không có quyền mua đất mà chỉ có thể mua các căn hộ chung cư ở các đô thị.
“Thực tế vừa rồi chúng tôi kiểm tra một số nơi, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan kiểm tra và hiện nay chưa phát hiện người nước ngoài mua đất” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Nếu các đại biểu biết thông tin về việc nước ngoài mua đất thì thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để cơ quan này tiến hành xác minh họ làm cách nào mua được. Bởi người nước ngoài nếu mua là trái pháp luật của Việt Nam”.
|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP |
Trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cũng nêu vấn đề quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, khó và nhạy cảm đòi hỏi phải trách nhiệm sáng suốt và có tầm nhìn. Được biết thị trường đất đai ở các địa phương như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nếu được thông qua thì sắp tới thành đặc khu kinh tế thì đang hết sức sôi động và diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội.
“Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương đã giải quyết như thế nào, có thực sự yên tâm không?”, đại biểu Trí đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đại biểu nói đúng là tầm nhìn của chúng ta, tức là quy luật khi đầu tư vào hoặc có những kỳ vọng đầu tư hoặc tương lai phát triển và đặc biệt đầu tư hạ tầng... thì đương nhiên quy luật sẽ đổ sô vào đấy để thị trường về đất đai và các thị trường đều thay đổi.
“Đấy là quy luật và chúng ta cũng biết quy luật đấy, nhưng trên thực tế chúng ta đã chưa làm được việc là làm sao để phòng ngừa và đưa ra các quyết định thật chuẩn, thay bằng các chỉ thị hành chính”, Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng Hà cũng nói rằng: “Tôi biết ở Khánh Hòa đã ban hành chỉ thị đấy cách đây 5 năm, xin lỗi tôi đang nói đến sân bay Long Thành. Trên thực tế, người dân dùng rất nhiều biện pháp để giao dịch ngầm, nào là ủy quyền cho người mua, bởi vì hiện nay họ dừng tất cả giao dịch đất đai”.
Bô trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị đối với 3 đặc khu và những nơi khác khi cho rằng, việc đưa ra những nội dung trong chỉ thị là đúng đắn. Tuy nhiên, hình thức ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật, không phù hợp với luật hiện nay.
“Nếu làm có tính khả thi, quy định các biện pháp, yêu cầu, đặc biệt có những cơ chế, quy chế đặc biệt, sắp tới đối với các đặc khu, tôi thấy nếu Quốc hội ban hành một nghị quyết để quy định mang tính đặc thù để quản lý đất đai khu vực này, tôi cho rằng cần. Nếu nói rộng hơn, chúng ta phải tính toán trong cơ chế, chính sách đất đai trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới để tính toán trước được vấn đề tiên lượng như đại biểu Trí nêu”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhìn nhận, thực tế vấn đề sốt đất là vấn đề đương nhiên, nhưng vấn đề chủ yếu, vấn đề nghiêm trọng, đó là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép.
“Hoạt động này giao dịch ngầm và không đúng pháp luật, việc quản lý, cơ quan quản lý, năng lực quản lý và tính nhạy cảm của chúng ta trong vấn đề này để kiểm soát và kiểm tra xử lý thì chúng ta chưa kịp thời. Đặc biệt chúng ta phải thông báo cho các bên, nếu các quy định giao dịch trái pháp luật thì trong trường hợp đó, khi chúng ta quy hoạch, đầu tư, đền bù thì chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp như thế nào đó để đảm bảo sự công bằng, để cho những nhà đầu cơ không có đất để vào đây”, Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng Hà cho rằng, phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, đặc biệt thời điểm này các địa phương phải tập trung xem lại các hồ sơ đất đai để quản lý được hiện trạng đất đai.
“Từ quản lý hiện trạng đất đai, khi chúng ta tính toán đền bù cho người dân thì chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được công bằng và người xứng đáng được đền bù, người đã cống hiến, đóng góp khai hoang miền đất đấy xứng đáng được hưởng. Người đầu cơ là chúng ta sẽ kiên quyết có biện pháp để người ta không có cơ hội trong các phi vụ về đất đai này”, Bộ trưởng nói.