Đại biểu Quốc hội: Không ai muốn thêm "củi" vào lò khi đặc khu ra đời!

Google News

(Kiến Thức) - "Lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm chứ không nên làm đồng loạt. Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời", ĐQBH Trương Trọng Nghĩa tâm tư.

Sáng nay (23/5), Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV tiến hành thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đồng tình với việc cần những đột phá trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phục vụ phát triển đất nước trong những năm tới. Tuy nhiên, ông này cũng lưu ý kinh nghiệm từ một số nước khi khi nhiều dự án đề ra có chủ trương đúng nhưng lại thất bại gây tổn thất không hề nhỏ. 
Ông Nghĩa cho rằng, việc thành lập các đặc khu kinh tế không chỉ là thành lập các đơn vị hành chính kinh tế thông thường mà là một trong những dự án đầu tư công rất lớn.
“Chúng ta dành nhiều ngàn km2 đất liền, hàng chục nghìn km2 biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của nước ta để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ vào đường xá, điện nước, sân bay, bến cảng... Đề án cho thấy sẽ phải đầu tư 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngân sách Nhà nước... Câu hỏi tất yếu là trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới, tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại những lợi ích gì, bao nhiêu, và cho ai?", Đại biểu Nghĩa băn khoăn.
 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
Theo Đại biểu Nghĩa, lãnh thổ của 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo và hàng chục nghìn km2 lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Từ Vân Đồn đến Hải Nam chỉ có 200 hải lý, vịnh Vân Phong rất gần với quần đảo Trường Sa. Đại biểu Nghĩa đề nghị quy định rõ việc đầu tư sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo luật biên giới, luật biển và Luật tài nguyên nước.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bỏ thời hạn thuê đất 99 năm, vì không có vòng đời của dự án đầu tư nào kéo dài đến 99 năm.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cùng bày tỏ sự băn khoăn tới việc cho phép mở tới 3 casino đánh bạc ở các đặc khu kinh tế. 
“Một nước quy mô nhỏ, phát triển rất cao, luật pháp rất nghiêm như Singapore cũng chỉ mở một casino từ năm 2012 sau hàng chục năm cấm đoan vậy mà hiện nay vẫn phát sinh nhiều hệ lụy xã hội. Chưa có casino mà chúng ta đã chịu tổn thất nặng về cán bộ và về nền kinh tế vì loại hình kinh doanh này. Tôi đề nghị chỉ cho mở một casino và phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
"Quan điểm đề án cho rằng khi dành nhiều ưu đãi sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền thì chỉ đúng một nửa, vì có những quốc gia họ đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có quốc gia lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng, đã có ví dụ nhãn tiền, nên luật phải thiết kế chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không phải "mời cướp vào nhà". Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài.
Dự luật hiện dành nhiều ưu đãi khá dễ dãi nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó cần rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, để đặc khu thu hút nhà đầu tư công nghệ cao lựa chọn đặc khu chứ không chỉ thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casio. Lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm chứ không nên làm đồng loạt. Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tâm tư. 
Bên cạnh những lo lắng của đại biểu Nghĩa, không ít đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn trước việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu.
"Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Vị trí chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm. Một trăm làm việc tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Bộ máy hành chính đặc khu sẽ tổ chức thế nào?
HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND. HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề về nhân sự chủ chốt, kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách đặc khu, chủ trương đầu tư và thu hồi đất, biện pháp tổ chức đời sống dân cư và thực hiện chức năng giám sát.
Ủy ban nhân dân đặc khu chỉ gồm một chủ tịch và 2 phó chủ tịch. HĐND và UBND sẽ có một văn phòng giúp việc chung, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 7 cơ quan) và trung tâm hành chính công đặc khu.
UBND đặc khu có trách nhiệm xây dựng để trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật.
Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển KT - XH tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)