Nói lời sau cùng trong phiên xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN mong HĐXX xem xét cho được tại ngoại để ăn Tết cuối cùng với gia đình, thăm bố đẻ vừa nhập viện trước khi chấp hành án phạt.
Bị cáo Đinh La Thăng nêu lý do bị cáo xin tại ngoại trong phần tự bào chữa là bản thân ông chắn chắn không có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
“Bố bị cáo mới bị cấp cứu chiều hôm kia tại bệnh viện Bạch Mai, vì vậy bị cáo mong HĐXX, cơ quan tố tụng xem xét cho bị cáo được thay đổi biện pháp ngăn chặn, để bị cáo được chăm sóc bố. Bố bị cáo đã 87 tuổi, đang mắc bệnh hiểm nghèo. Xin cho bị cáo được ăn cái tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó bị cáo sẽ chấp hành án phạt tù mà chưa biết bao giờ mới ra được” – bị cáo Đinh La Thăng nêu hoàn cảnh sau khi trình bày nguyện vọng xin tại ngoại.
|
Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: Tienphong.vn |
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc bị cáo Đinh La Thăng xin được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ giam giữ sang tại ngoại có đúng pháp luật?. Mong muốn của bị cáo Đinh La Thăng trong lời nói cuối cùng trên có được Hội đồng xét xử đồng ý hay không?
Những câu hỏi trên đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể là điều 122, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, bị cáo Đinh La Thăng có quyền làm đơn xin được tại ngoại như đặt tiền để bảo đảm.
Cụ thể, khoản 1, điều 122 Bộ Luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: “Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Tại khoản 2, điều 122 nêu rõ: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Khoản 4, điều 122, thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại Bộ luật này. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho rằng, khả năng ông Đinh La Thăng được HĐXX cho tại ngoại là rất khó.
“Trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN và PVC, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái với bị cáo Đinh La Thăng là thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hơn nữa, bị cáo Thăng còn bị xét xử trong một vụ án nữa cũng tại PVN nên rất khó để được tại ngoại” – Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn LS TP Hà Nội) nêu ý kiến, việc ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại ở thời điểm xét xử là rất khó được chấp nhận.
“Trong giai đoạn này, tòa án đã xét xử nhưng bản án chưa được tuyên. Hay kể cả bản án sơ thẩm có tuyên đi nữa nhưng sau khi tuyên án, thẩm phán của Tòa sơ thẩm đã hết trách nhiệm. Trong giai đoạn này, nội dung của thẩm phán khi xét xử chỉ tuyên có tội hoặc không có tội. Dẫn đến việc ông Đinh La Thăng xin tại ngoại ở giai đoạn này là rất khó.
Sau khi tuyên án, trong trường hợp ông Đinh La Thăng kháng cáo, trong giai đoạn chuyển hồ sơ từ tòa sơ thẩm đến phúc thẩm, cũng chưa có ai là người có thẩm quyền cho ông Thăng tại ngoại. Chỉ khi nào tòa án phúc thẩm được phân công thẩm phán thì thẩm phán mới được quyền xem xét. Trừ trường hợp ông Đinh La Thăng bị ốm nặng thì sẽ cho đi điều trị. Trong lịch sử tố tụng chưa từng có trường hợp nào, trừ trường hợp bị cáo ốm đau”, Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết.
Một số ý kiến luật sư khác cũng cho rằng, khả năng HĐXX cho bị cáo Đinh La Thăng được tại ngoại là rất khó xảy ra. Bởi việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tùy thuộc vào nhận định của HĐXX.