Không xử lý được
Ông Phan Thế Hùng, Trưởng Ban quản lý Bến xe khách trung tâm Thái Bình (TP.Thái Bình) cho biết, năm 2019, hãng xe limousine X.E Việt Nam loại hình xe hợp đồng, chuyên đón trả khách tuyến Thái Bình - Hà Nội ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định ở Thái Bình.
Nhà xe này mở văn phòng và đón trả khách như xe tuyến cố định nhưng không đăng ký vào bất kể bến xe nào. Bản chất đây là xe khách chạy tuyến cố định nhưng lại núp bóng dưới danh nghĩa “xe hợp đồng”.
|
Xe limousine của Công ty TNHH X.E Việt Nam chạy khắp Thủ đô Hà Nội (Ảnh: ĐH)
|
Ông Hùng cho hay, sau khi xuất hiện limousine X.E Việt Nam, cơ quan chức năng không xử lý nghiêm, đến nay hàng loạt nhà xe khác ra đời cùng mô hình, hoạt động bát nháo khắp TP. Thái Bình như xe Nam Hà Hải, Thiên Hoàng Hải, Phiệt Học và Tôn Thắng…
Các nhà xe này đón trả khách tại nhà, khi xe lên Hà Nội đón trả khách tại các văn phòng và thu tiền từng khách một. Xe chạy liên tục, không ai kiểm soát, trong khi xe khách tuyến cố định vào bến chịu đủ thứ ràng buộc.
Thực tế này dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa loại hình xe hợp đồng trá hình với doanh nghiệp tuyến cố định làm ăn chân chính, chấp hành đúng quy định. Đây là vấn đề rất bức xúc, doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị nhiều, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Hoan, Giám đốc Công ty CP Vận tải Hoàng Hà, có xe chạy tuyến cố định Thái Bình - Hà Nội cho biết, vận tải hành khách liên quan tới tính mạng người dân cần các điều kiện, quản lý rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế đang bị buông lỏng, để xe trá hình, xe dù, bến cóc nở rộ khắp nơi.
Theo ông Hoan, đã có yêu cầu tất cả xe hoạt động vận tải khách phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, nhưng không được sử dụng hiệu quả để ngăn chặn, xử lý xe hợp đồng trá hình.
Xe hợp đồng trá hình len lỏi mọi ngõ ngách
Đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, từ sau dịch bệnh Covid-19, loại hình xe hợp đồng chạy trá hình đón trả khách như tuyến cố định phát triển nhanh hơn.
Các xe này len lỏi vào tận các ngõ ngách phố phường, mọi lúc, mọi nơi đón trả khách nên xe chạy tuyến cố định vào trong bến không có khách.
Không ít nhà xe trong bến thu không đủ chi, buộc phải cho xe chạy “chân trong, chân ngoài” , vừa đón trả khách trong bến, vừa cho xe chạy hợp đồng đón trả khách bên ngoài.
Đại diện doanh nghiệp vận tải Anh Huy, chuyên chở khách tuyến cố định Hải Phòng – Giáp Bát (Hà Nội) chia sẻ, trước dịch Covid-19, mỗi ngày doanh nghiệp chạy 100 lượt chuyến đón trả khách trong bến, nhưng sau dịch bệnh, giảm xuống chỉ còn 20 chuyến mỗi ngày do xe vào bến không có khách.
Trước thực tế phải cạnh tranh không lành mạnh với xe hợp đồng trá hình, doanh nghiệp Anh Huy buộc phải bán bớt xe trong bến, mua xe limousine chạy hợp đồng bên ngoài để đón trả khách.
“Chúng tôi phải mua xe chạy ngoài bến để bù chi phí, nhưng luôn mong muốn quản lý Nhà nước dẹp được nạn “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình để các nhà xe cạnh tranh bình đẳng. Khi đó nhà xe làm ăn chân chính mới tồn tại được”, đại diện nhà xe Anh Huy chia sẻ.
|
Loại hình xe limousine chạy hợp đồng trá hình như tuyến cố định, đón trả khách khắp các tuyến phố Hà Nội (Ảnh: VĐ)
|
Trên thực tế, việc xử lý xe hợp đồng trá hình, yêu cầu nhà xe bên ngoài vào bến hoạt động như xe cố định đã đem lại hiệu quả khi lực lượng chức năng kiên quyết xử lý. Đó là trường hợp nhà xe limousine Vân Anh chuyên chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa, trước đây cũng mở văn phòng và hoạt động đón trả khách trong phố, không vào bến xe. Thế nhưng, hơn một năm trước, sau khi dư luận lên tiếng phản ánh, xe này đã vào bến hoạt động, có xe trung chuyển đưa đón tận nhà ở Hà Nội.
Như vậy, khi chính quyền mạnh tay, trật tự vận tải khách liên tỉnh vẫn có thể lập lại, vấn đề là lực lượng chức năng có quyết làm hay không.
Qua mặt lực lượng chức năng
Ông Phan Thế Hùng, Trưởng Ban quản lý Bến xe khách trung tâm Thái Bình cho rằng, Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có quy định xe hợp đồng, như: Phải ký hợp đồng với khách, thông báo hợp đồng với Sở GTVT nơi xuất phát; không được thu tiền từng khách; xuất phát tại 1 điểm không quá 30% số chuyến mỗi tháng; các xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe… nhưng các chế tài này chưa được đưa vào cuộc sống.
Thực tế, xe hợp đồng trá hình, xe dù còn vi phạm nhiều nội dung khác có thể xử lý như dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, gây ùn tắc giao thông, nhưng không được lực lượng chức năng xử lý.
“Xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai ai cũng thấy. Vấn đề chính quyền địa phương có quyết tâm xử lý hay không”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận, chính sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy chui, chạy dù, lập văn phòng đón trả khách ngày càng tăng, xe khách vào bến giảm nhiều so với trước.
Việc xe khách vào bến giảm dẫn tới nhiều bến xe khó khăn, nguy cơ phá sản. Trong khi, xe hợp đồng đón trả khách ở các văn phòng ngoài bến và chạy liên tỉnh như xe tuyến cố định cũng làm gia tăng mất trật tự đô thị, ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, xe khách tuyến cố định phải chịu nhiều ràng buộc, theo luồng tuyến đã đăng ký, không được dừng đón trả khách dọc đường, nộp thuế, phí… trong khi các loại xe hợp đồng được phép chạy khắp nơi, đón trả khách tùy ý, hầu như không phải đóng gì với Nhà nước. Điều này tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.