“Vỏ bọc” xe hợp đồng chạy tuyến cố định của Công ty An Hoàng Linh

Google News

Những chiếc xe giường nằm gắn phù hiệu xe hợp đồng được Cty TNHH An Hoàng Linh sử dụng vận chuyển hành khách như tuyến cố định từ Hà Nội đi Quảng Bình và ngược lại.

Xe hợp đồng không được đón khách, gom khách, không được ấn định hành trình, lịch trình cố định; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách... nhưng nhà xe Hoàng Linh thuộc Công ty TNHH An Hoàng Linh bất tuân, thách thức pháp luật.
Gom khách lẻ, xuất từng phiếu thu
Đặt trụ sở văn phòng tại số 98 Nguyễn Hoàng (cạnh bến xe Mỹ Đình – quận Nam Từ Liêm) và số 101 Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhà xe Hoàng Linh thuộc Công ty TNHH An Hoàng Linh, có địa chỉ tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình công khai tổ chức hoạt động bán vé, ký gửi, vận chuyển người và hàng hóa chuyên tuyến Hà Nội – Quảng Bình. Thay vì hoạt động xe hợp đồng như được cấp phép, nhà xe Hoàng Linh đã tạo “vỏ bọc” tinh vi để chạy như tuyến cố định, trái quy định pháp luật và gây ảnh hưởng tiêu cực môi trường cạnh tranh kinh doanh vận tải hành khách.
“Vo boc” xe hop dong chay tuyen co dinh cua Cong ty An Hoang Linh
 Nhà xe Hoàng Linh nhận đặt chỗ, bán vé, thu tiền trực tiếp của hành khách sử dụng xe phù hiệu hợp đồng tại văn phòng số 98 Nguyễn Hoàng.
Trong vai hành khách có nhu cầu di chuyển từ Hà Nội đến TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, ngày 24/6, PV Báo Tri thức và Cuộc sống liên hệ số điện thoại 0975.696.xxx (số đường dây nóng của nhà xe Hoàng Linh) và được nhân viên tổng đài giới thiệu có bán vé chuyên tuyến từ Hà Nội đi các điểm thuộc TP. Đồng Hới, Thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) với dòng xe 38 giường nằm. Sau khi xác nhận đặt 1 vé đi TP. Đồng Hới với giá 350 nghìn đồng, nhân viên hẹn PV đến văn phòng số 98 Nguyễn Hoàng trước 19h30’ để kịp lên xe.
Có mặt tại văn phòng nhà xe Hoàng Linh, nhân viên bán vé một lần nữa xác nhận số điện thoại đặt vé và in phiếu thu với nội dung “khách ghép đoàn, Hà Nội – Quảng Bình, số ghế Bxx, điểm đón VP Mỹ Đình, điểm trả Đồng Hới”. Đặc biệt, trong phiếu thu ghi rõ “Nếu hủy vé trước giờ khởi hành 90 phút, công ty thu 50% tiền trên tổng phiếu thu”. Để nhận được phiếu thu, PV phải đưa trực tiếp 350 nghìn đồng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Việc mua vé đơn lẻ, trả tiền trực tiếp cho nhà xe Hoàng Linh tại văn phòng để được lên chiếc xe 38 giường nằm gắn phù hiệu hợp đồng chạy tuyến Hà Nội – Quảng Bình diễn ra liên tục với lượng khách lớn.
“Vo boc” xe hop dong chay tuyen co dinh cua Cong ty An Hoang Linh-Hinh-2
 Phiếu thu trái quy định của Công ty TNHH An Hoàng Linh.
Sau khi xếp đầy hàng trong khoang hàng hóa và hướng dẫn khách lên vị trí giường nằm, đúng 19h40’, chiếc xe BKS 73F – 000.40 lăn bánh theo cung đường Nguyễn Hoàng – Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu, rẽ phải chạy “cắt mặt” trụ sở Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT TP. Hà Nội) rồi lên đường vành đai 3, chạy thẳng về phía cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Gần đến trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, chiếc xe bất ngờ dừng ven đường đón thêm 3 hành khách. Lúc này, phụ xe nhanh chóng thu tiền trực tiếp của những vị khách mới lên mà không cần phải xuất phiếu thu.
Tiếp đó, chiếc xe rời cao tốc, ra nút giao Liêm Tuyền, rẽ phải chạy vào đường nội đô TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) và bám theo đường tỉnh lộ 491 đến khu du lịch Tràng An (tỉnh Ninh Bình) đón gần 20 hành khách. Từ đây, chiếc xe chạy thẳng vào TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Thi thoảng, xe dừng để trả khách và bốc hàng dọc đường ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đúng 4h16’ rạng sáng 25/6, chiếc xe về đến văn phòng tại số 43 Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới.
Nhồi nhét... trong đêm
Ghi nhận tại văn phòng nhà xe Hoàng Linh số 43 Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới, Công ty TNHH An Hoàng Linh treo biển quảng cáo lớn ghi rõ: “Điểm đến Hà Nội: Bến xe Nước Ngầm, Bến xe Giáp Bát, 101 Đại Cồ Việt, Bến xe Mỹ Đình” nhằm phục vụ cho các xe gắn phù hiệu hợp đồng chạy như tuyến cố định Hà Nội – Quảng Bình và ngược lại.
“Vo boc” xe hop dong chay tuyen co dinh cua Cong ty An Hoang Linh-Hinh-3
 Hành khách ngồi chờ xe Hoàng Linh tại văn phòng 43 Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới.
Tiếp tục tìm hiểu về hoạt động “núp bóng” xe hợp đồng của doanh nghiệp này, chiều 25/6, PV Báo Tri thức và Cuộc sống trực tiếp có mặt tại văn phòng số 43 Lý Thường Kiệt để đặt vé về Hà Nội. Tuy nhiên, nhân viên nhà xe Hoàng Linh báo hết vé vì đã đủ khách. Dù vậy, sau khoảng 30 phút chờ đợi, nhân viên báo tin có một hành khách trả vé “nằm luồng” nên đã nhanh tay “check in” vé cho PV và hẹn 19h có mặt tại văn phòng để lên xe.
Đúng giờ, PV cùng 12 hành khách xếp ghế ngồi chờ tại văn phòng nhà xe Hoàng Linh. Lúc này, chiếc xe giường nằm BKS 73B – 005.94 xuất hiện với nhiều hành khách đã được xếp sẵn nằm trên xe. Từ việc điều phối của phụ xe, chỉ có 6 hành khách được lên xe, còn lại tiếp tục ngồi chờ chuyến xe lúc 19h30’.
Khi PV đề nghị được nộp 350 nghìn đồng và nhận phiếu thu cho chuyến đi Hà Nội, nhân viên bán vé từ chối và cho biết: “Anh nằm luồng nên giá chỉ 300 nghìn đồng. Lên xe sẽ thu sau”.
“Vo boc” xe hop dong chay tuyen co dinh cua Cong ty An Hoang Linh-Hinh-4
 Phụ xe Hoàng Linh thu tiền trực tiếp trên xe.
Đúng 19h30’, chiếc xe giường nằm BKS 73F – 000.40 (xe PV đi từ Hà Nội vào TP. Đồng Hới) có mặt tại văn phòng để đón khách. Sau khi đã xếp đủ giường, PV Báo Tri thức và Cuộc sống cùng 3 người khác được phát cho bộ chăn gối để nằm dọc 2 luồng xe. Di chuyển chừng 30 phút, chiếc xe dừng ven đường đón thêm 4 - 5 hành khách và bị “nhồi nhét” nằm dọc luồng xe. Lúc này, phụ xe đi thu tiền trực tiếp của hành khách với giá 300 nghìn đồng/1 người/nằm luồng và 350 nghìn đồng/1 người/nằm giường.
Ngoài trời mưa đêm, nhưng chiếc xe di chuyển khá nhanh. Còn trong xe là cảnh leo trèo và luồn lách mỗi khi hành khách di chuyển xuống cuối xe để đi vệ sinh (xe có nhà vệ sinh mini), bởi hàng dài người nằm chắn lối đi.
“Vo boc” xe hop dong chay tuyen co dinh cua Cong ty An Hoang Linh-Hinh-5
 Nhà xe Hoàng Linh "nhồi nhét" khách dọc 2 luồng di chuyển của xe.
Hơn 8 tiếng đồng hồ di chuyển, đúng 4h26’, chiếc xe về đến văn phòng nhà xe Hoàng Linh trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để trả khách, sau đó xe tiếp tục di chuyển theo cung đường Vành đai 2 – Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi – Vành đai 3 – Phạm Hùng rồi rẽ vào Nguyễn Hoàng với điểm trả khách cuối tại văn phòng số 98.
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, nhà xe Hoàng Linh (Công ty TNHH An Hoàng Linh) hiện có 7 xe giường nằm được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” gồm các xe BKS 73B – 004.98, 73B – 007.71, 73F – 000.19, 73B – 005.94, 73B – 007.90, 73F – 000.40, 73F – 004.18 nhưng hiện đang hoạt động “núp bóng” vận chuyển hành khách như tuyến cố định Hà Nội – Quảng Bình và ngược lại với tần suất 30 phút/chuyến từ 18h – 20h hàng ngày.
Nhận phản ánh trên từ Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ kiểm tra phù hiệu và tình hình hoạt động của các xe thuộc Công ty TNHH An Hoàng Linh, sau đó sẽ phản hồi báo chí.
PV Báo Tri thức và Cuộc sống cũng đã liên hệ với Công ty TNHH An Hoàng Linh qua số điện thoại 0975696796 (công khai trên hệ thống mã số thuế doanh nghiệp) để làm rõ thông tin phản ánh trên nhưng không nhận được phản hồi.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP Luật sư Kết nối, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải gom khách, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách; ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải sử dụng xe trung chuyển chở hành khách không đúng quy định.
"Chế tài xử phạt đã có, thẩm quyền xử lý thuộc về lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, các vi phạm của nhiều nhà xe vẫn tái diễn. Có thể do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhưng cũng có thể do tình trạng buông lỏng quản lý, xử phạt chưa nghiêm từ phía các lực lượng chức năng dẫn đến một số đơn vị vận tải hành khách “nhờn luật”, liên tục tái diễn hành vi vi phạm”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm.
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin
Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng như sau:
Đối với Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe:
– Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm cả thuê người lái xe. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết;
– Không được đón khách, gom khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
– Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, văn phòng đại diện, trụ sở chi nhánh hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải hợp tác kinh doanh; đơn vị kinh doanh vận tải thuê.
– Mỗi xe ô tô trong thời gian một tháng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố hay còn gọi một tuyến đường, ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm cuối, điểm đầu trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đông nghẹt bến xe, kẹt cứng đường trước kỳ nghỉ lễ:

(Nguồn: THĐT)


Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)