Công ty An Hoàng Linh “núp bóng” xe hợp đồng, ai chịu trách nhiệm?

Google News

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần kiểm tra, xử nghiêm nhà xe Hoàng Linh “núp bóng” phù hiệu xe hợp đồng chạy như tuyến cố định Hà Nội – Quảng Bình.

Sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải bài: “Vỏ bọc” xe hợp đồng chạy tuyến cố định của Công ty An Hoàng Linh” phản ánh về việc doanh nghiệp này sử dụng xe giường nằm gắn phù hiệu xe hợp đồng đón khách, gom khách, ấn định hành trình, lịch trình cố định và xác nhận đặt chỗ, xuất phiếu thu (vé), thu tiền trực tiếp đối với từng hành khách đi xe để chạy tuyến Hà Nội – Quảng Bình và ngược lại, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng cần kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên và làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Cong ty An Hoang Linh “nup bong” xe hop dong, ai chiu trach nhiem?
 Nhà xe Hoàng Linh thuộc Công ty An Hoàng Linh "núp bóng" xe hợp đồng để chạy tuyến cố định Hà Nội - Quảng Bình và ngược lại.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định rõ cấm xe hợp đồng bán vé lẻ cho khách đi xe, thay vào đó phải có hợp đồng nguyên chuyến với một cá nhân hoặc tổ chức nào đó.
Ngoài ra trên bản hợp đồng đó phải thể hiện đầy đủ tiêu chí như: điểm đi điểm đến của hành trình; thời gian thực hiện hợp đồng; giá trị hợp đồng; tài khoản, địa chỉ, người đại diện đơn vị kinh doanh, địa chỉ, người đại diện nhóm khách, danh sách hành khách,…Nhưng hiện nay, lợi dụng danh nghĩa xe hợp đồng, các xe này lại thu tiền trực tiếp của khách lẻ, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra trên đường, liền đưa ra bản hợp đồng “khống” một cách sơ sài cùng danh sách hành khách để giải thích, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm và trốn nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong các văn bản quy phạm pháp luật, xe đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng phải truyền dữ liệu hợp đồng vận tải và danh sách hành khách về cơ quan quản lý, Sở GTVT nơi cấp phù hiệu trước khi xe lăn bánh thực hiện hợp đồng. Từ đây, các Sở GTVT phải căn cứ theo quy định, nếu phát hiện xe nào không thực hiện đúng thì phải xử lý nghiêm.
Tham gia tư vấn về giải pháp dẹp tình trạng “núp bóng” xe hợp đồng chạy tuyến cố định, ông Nguyễn Văn Quyền đề nghị: Đối với xe vận tải khách theo hợp đồng, Bộ GTVT cần sửa Thông tư về thời hạn cấp phù hiệu theo hướng rút ngắn lại. Đối với những xe chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật thì cấp theo thời hạn 1 – 2 năm, còn những xe mới đưa vào kinh doanh thì nên cấp 2 – 3 tháng. Trường hợp chấp hành nghiêm chỉnh sẽ cấp dài hơn.
Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng cần phải nâng cấp phần mềm quản lý để các Sở GTVT tra cứu, nhanh chóng lấy được dữ liệu. Thực tế, phần mềm chưa có tổng hợp, phân tích, chưa có hệ thống “tinh” nên khi lấy dữ liệu, các Sở GTVT thường phải mò mẫm, nhặt nhạnh, mất nhiều thời gian, trong khi mỗi Sở có hàng nghìn phương tiện phải quản lý.
Ngành thuế và ngành giao thông cần phối hợp, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng hợp đồng. Các đơn vị kinh doanh vận tải cần sự công khai, minh bạch và công bằng về thuế. Cụ thể, Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cần phối hợp với Sở GTVT Hà Nội để kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của nhà xe Hoàng Linh thuộc Công ty TNHH An Hoàng Linh nói riêng và các doanh nghiệp vận tải khác nói chung. Nếu phát hiện doanh nghiệp lách luật, “núp bóng” hợp đồng cần phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm để bảo đảm công bằng trong môi trường kinh doanh vận tải.
Cong ty An Hoang Linh “nup bong” xe hop dong, ai chiu trach nhiem?-Hinh-2
Nhân viên nhà xe Hoàng Linh thu tiền vé trực tiếp trên xe. 
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối nhìn nhận: Xe hợp đồng trá hình đang gây ra nhiều hệ lụy về trật tự ATGT, văn minh đô thị. Để ngăn chặn vấn nạn này, các đơn vị chức năng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chấn chỉnh sai phạm của các nhà xe.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm các cán bộ có hành vi tiếp tay cho đối tượng vi phạm nhằm góp phần đảm bảo ATGT đường bộ cho người dân và để pháp luật được thực thi một cách công bằng và nghiêm minh.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, nhà xe Hoàng Linh thuộc Công ty TNHH An Hoàng Linh, có địa chỉ tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đặt trụ sở văn phòng tại số 98 Nguyễn Hoàng (cạnh bến xe Mỹ Đình – quận Nam Từ Liêm) và số 101 Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) công khai tổ chức hoạt động bán vé, ký gửi, vận chuyển người và hàng hóa chuyên tuyến Hà Nội – Quảng Bình và ngược lại. Thay vì hoạt động xe hợp đồng như được cấp phép, nhà xe Hoàng Linh đã tạo “vỏ bọc” tinh vi để chạy như tuyến cố định, trái quy định pháp luật và gây ảnh hưởng tiêu cực môi trường cạnh tranh kinh doanh vận tải hành khách nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bạo loạn ở Pháp: Hiện trường bãi đỗ xe buýt bị thiêu rụi sau 1 đêm:
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)