Ngay trong sáng 6/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 và mưa lũ tại các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp khẩn trương, hiệu quả.
Theo đó, huyện Ba Chẽ đã chủ động theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Trong đó, về nhân lực đã huy động tổng số 480 người, gồm lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, thành viên đội xung kích PCTT cấp xã. Về phương tiện, vật tư đã huy động 298 ô tô, 18 máy xúc, 11 thuyền, 3 xuồng máy, 8 xuồng hơi và 525 phao tròn, áo phao, bè phao, cùng các loại phương tiện khác. Huyện cũng đã rà soát thống kê 247 ngôi nhà ở có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, tốc mái có phương án di dời đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, vật tư ứng cứu nếu xảy ra sự cố ngập lụt và sạt lở khi có mưa lớn kéo dài; chuẩn bị sẵn sàng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, xăng, dầu dự trữ…
Tại huyện Tiên Yên, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện cũng đã ban hành các công văn, văn bản chỉ đạo; kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ đối với các chủ phương tiện tham gia phòng chống khi có thiên tai xảy ra gồm: 122 ô tô; 15 máy xúc; 84 tàu thuỷ.
Toàn huyện có 16 công trình hồ đập (Công ty TNHH MTV thủy lợi miền Đông quản lý 4 công trình; hồ chứa do UBND huyện quản lý là 12 công trình). Hệ thống đê trên địa bàn huyện hiện có tổng chiều dài hơn 42km, gồm (Đê cấp IV 5,3km; đê cấp V 37,106km). Khu vực trọng yếu tại đê khu Hà Tràng Tây xã Đông Hải có 200 hộ có nguy cơ ngập lụt do điểm đê thấp, yếu, nước nguy cơ tràn qua đê.
Toàn huyện có 57 cầu/đập tràn; 68 hộ có nguy cơ ngập lụt; 69 hộ có nguy cơ nhà yếu, tập trung tại các xã Điền Xá, Đồng Rui, Đông Ngũ. 17 hộ nuôi cá lồng bè tại xã Tiên Lãng. Tổng số 524 tàu thuyền của người dân trên địa bàn huyện đã nhận được thông tin bão và chủ động di dời đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó tại vụng neo đậu tàu thuyền bến Nu Hàn, xã Tiên Lãng là 111 tàu thuyền.
Tại huyện Bình Liêu, đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã rà soát, thống kê có 16 điểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét; 22 hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, nhà yếu có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ dài ngày.
Trên cơ sở rà soát, huyện đã chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ nhân dân kịp thời di chuyển người và tài sản trước khi mưa bão xảy ra. Đồng thời chủ động tổ chức khắc phục các điểm sạt lở trên địa bàn quản lý (đối với các điểm đã sạt lở), cắm biển cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động cảnh giác khi có mưa bão xảy ra; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, phân công lực lượng ứng trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ trên sông, có phương án tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó với bão; đối với các ngầm tràn giao thông, triển khai bổ sung, lắp đặt hoàn thiện các trạm barie, cử người trực 24/24h.
|
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Cảng Cái Lân.
|
Cùng ngày, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng đã trực tiếp thực địa địa bàn TP Uông Bí, TX Đông Triều và TX Quảng Yên.
Báo cáo nhanh với đoàn công tác, TP Uông Bí có 15 tàu cá hoạt động vùng khơi, 81 tàu cá hoạt động theo phương thức sáng đi, chiều về. Hiện các chủ phương tiện đã nắm được tình hình của bão số 3 và đã di chuyển về các nơi tránh trú bão an toàn trên địa bàn thành phố và một số địa phương lân cận. Thành phố đã tổ chức 4 đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp tại các phường, xã, vị trí trọng điểm xung yếu.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tuyến đê Điền Công, phường Trưng Vương; khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại phường Yên Thanh và một số tuyến đường giao thông tại xã Thượng Yên Công, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Uông Bí cần chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3, không được lơ là, chủ quan; tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giám sát chủ các phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thuỷ sản nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn. Đối với những tàu đã vào khu vực bến bãi, phải thực hiện giằng néo tàu thuyền khi neo đậu đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Yêu cầu TP Uông Bí và các đơn vị sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” thường trực 24/24h để kịp thời phát hiện, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đối với các điểm xung yếu trên tuyến đê Điền Công, địa phương phải bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng bảo vệ đê và công trình trước mọi tình huống.
Hoàn lưu sau bão số 3 có thể gây mưa lớn cho toàn khu vực, vì vậy yêu cầu TP Uông Bí rà soát hệ thống tiêu thoát nước, làm tốt công tác tiêu nước, tiêu úng cho các khu vực dân cư, khu vực hoa màu và các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt với các đơn vị ngành Than rà soát khu vực bãi thải có nguy cơ sạt lở trên toàn địa bàn để sẵn sàng có phương án ứng phó.
Cũng trong ngày 6/9, ông Vũ Văn Diện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại TX Đông Triều và TX Quảng Yên.
Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại một số công trình giao thông xã Hồng Thái Tây và cống tiêu thoát nước dưới đê Hà Nam (TX Quảng Yên), ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu TX Đông Triều, TX Quảng Yên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, không chủ quan lơ là, nhất là mưa hoàn lưu sau bão.
Riêng TX Đông Triều cần chủ động kiểm tra, bố trí lực lượng quản lý vận hành, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa trong trường hợp mưa lớn. Đồng thời theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước trên các hồ đập để vận hành tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn. Các công trình xây dựng khẩn trương di chuyển máy móc, thiết bị, con người vào vị trí tránh trú bão an toàn; một số đơn vị ngành Than rà soát các vị trí ngập úng, sạt trượt bãi thải để có phương án phòng chống.
Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TP Hạ Long, các lực lượng Biên phòng, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa và các đơn vị quản lý cảng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các vị trí tránh trú an toàn. Tuyệt đối không để phương tiện nào còn neo đậu ở các vị trí mất an toàn khi bão đổ bộ.
Kiểm tra tại vị trí có nguy cơ sạt trượt trên tuyến đường nối cảng Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời, đảm bảo giao thông trên tuyến. Về lâu dài, thành phố phải nghiên cứu phương án để khắc phục triệt để nguy cơ sạt trượt, mất an toàn tại vị trí này.
Yêu cầu TP Cẩm Phả phải tiếp tục kiểm tra, giám sát việc di dời đến các khu neo đậu an toàn của các tàu cá. Đối với các lồng bè trên biển, trước 16h ngày 6/9 phải di dời toàn bộ lao động lên bờ. Đồng thời, có phương án bảo đảm an toàn cho các tàu nước ngoài, tàu bốc dỡ hàng hóa đang neo đậu trong vùng nước của Khu neo đậu Con Ong - Hòn Nét và các khu vực khác.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc triển khai các phương án ứng phó với bão trên địa bàn, nhất là đối với việc di dời tàu thuyền, lao động trên các lồng bè trên biển lên bờ trước 16h ngày hôm nay, 6/9. Các địa phương phải thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đối với từng vị trí lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Cương quyết cưỡng chế di dời đối với các trường hợp không di dời. Tuyệt đối không để người dân, lao động ở lại trên các lồng bè khi bão đổ bộ.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (YAGI) được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh cũng đã đi kiểm tra công tác chủ động phòng chống bão tại huyện Vân Đồn và TP Móng Cái.
Báo cáo tình hình ứng phó bão số 3, theo lãnh đạo huyện Vân Đồn, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã kích hoạt phương án, nhiệm vụ phòng chống bão; tổ chức thông báo, cập nhật rộng rãi thông tin về cơn bão, chỉ đạo theo dõi nắm bắt số tàu thuyền, đặc biệt là tàu khai thác thủy sản xa bờ, thực hiện kêu gọi, hướng dẫn cho các chủ phương tiện tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn.