|
Tàu thuyền bị bão đẩy “leo” bờ làm sập nhà dân ở Thuận An (Phú Vang, TT-Huế) |
Bão “ném” thuyền cá lên bờ
Từ tối 14/11, tại nhiều vùng đồng bằng, vùng ven biển tại TT-Huế bắt đầu bị gió lớn “tra tấn”. Sáng 15/11, sau vài giờ đi lánh nạn, bà Lê Thị Sinh (ngụ xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) quay về nhà tìm nhặt lại những tấm lợp vừa bị bão thổi bay. Người phụ nữ lớn tuổi này chưa hết sợ hãi: “Khoảng 3 giờ sáng, gió lớn quăng quật từng hồi. Cứ nghĩ nơi mình trú bão không việc gì, nhưng chỉ sau một lúc, mái tôn nhà phát ra tiếng kêu rít chói tai rồi bị gió thổi bay. Quá hoảng sợ, hai vợ chồng tui bỏ chạy ra khỏi nhà giữa mưa bão để tìm nơi lánh nạn. Vừa chạy, tui có cảm giác như những mái tôn bị gió bão cuốn bay đuổi theo sau lưng”.
|
800m vỉa hè dọc bờ sông Hàn bị sóng lớn đánh tan tác, gạch lát bị “lột” lên, nằm ngổn ngang; 48 mét kè sông ở khu vực này cũng bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: Giang Thanh |
Trong trận bão số 13, vùng ven biển xã Thuận An (huyện Phú Vang), giáp ranh xã Phú Thuận, là nơi chịu thiệt hại nặng về tàu, thuyền đánh bắt thủy sản. Bà Lê Thị Xuyên (ngụ xã Thuận An) cho biết, khoảng 3 giờ 30 sáng 15/11, căn nhà của bà nằm cạnh đầm phá Tam Giang bỗng đổ sập do một vật thể lớn từ đâu đâm sầm vào. Hóa ra một thuyền cá neo đậu dưới đầm phá bị bão thổi “quăng” lên cạn, trúng vào nhà bà Xuyên.
Thời điểm trên, gió bão thổi rất mạnh đã kéo đứt hệ thống dây neo giữ thuyền cá mang số hiệu TTH -99911TS. Tàu đứt neo bị gió bão, sóng lớn “quăng” vào căn nhà của bà Xuyên. Rất may, lúc tàu cá “leo” bờ đâm sập nhà cửa, bên trong nhà bà Xuyên không có ai trú ngụ.
Liên quan thiệt hại tàu cá, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế cho biết, tại hai huyện Phú Vang và Phú Lộc có 15 tàu, thuyền đánh cá trong lúc vào neo đậu bên trong đầm phá đã bị gió bão, sóng cuốn đứt dây neo “thổi” bay lên bờ gây mắc cạn, hư hỏng.
Tấn công đê kè, bờ biển
|
Khu vực bãi biển Phạm Văn Đồng (TP Đà Nẵng) tan hoang sau bão số 13
Ảnh: Nguyễn Thành |
Đến 6 giờ sáng 15/11, gió lớn ở những vùng bão số 13 đi qua ở TT-Huế mới bắt đầu ngớt. Trận bão này không kèm mưa lớn làm lũ trên các sông dâng cao như cơn bão số 9. Tuy nhiên, gió bão lại khiến triều cường từ biển dâng cao, tấn công dữ dội các khu vực đê kè, bờ biển, đường sá, nhà cửa bên trong.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, dải bờ biển từ xã Phong Hải (huyện Phong Điền), qua Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang) kéo về xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) bị sóng biển, triều cường xâm thực rất nặng, ăn sâu vào đất liền từ 7 đến 10 mét, trên chiều dài hơn 14km. Xâm thực biển làm hư hỏng tỉnh lộ 21 tại huyện Phú Lộc nối ra quốc lộ 49B, cuốn mất rừng phòng hộ và đất sản xuất của nhiều hộ dân, gây khả năng mở cửa biển mới rất cao.
Kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển Giang Hải, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, yêu cầu: “Trước mắt, xác định mức độ hư hại để tập trung phương tiện, lực lượng gia cố, sửa chữa ngay các đoạn sạt lở nặng. Phải tìm mọi cách ngăn nước biển xâm thực vào ruộng đồng bên trong, tránh mở thêm cửa biển mới”.
Sập 7 ngôi nhà ven biển Hội An
|
Mái tôn trường tiểu học tại xã ven biển Phú Thuận (huyện Phú Vang, TT-Huế) bị bão thổi bay |
Ngày 15/11, nhiều người dân Hội An sững sờ chứng kiến dãy nhà ven biển Hội An bị đánh đổ sập, tan nát bên biển. Nhiều người bật khóc khi tất cả tài sản, vay mượn để có được ngôi nhà ở và kinh doanh phút chốc tan tành. Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (40 tuổi) bần thần nhìn đống đổ nát. “Không thể tin nổi. Ngôi nhà tôi xây kiên cố sao lại thành thế này” - bà Hoa nói và cho hay, ngôi nhà được 2 vợ chồng vay mượn xây dựng hết 400 triệu đồng để ở và kinh doanh. Hôm qua sau khi nghe tin bão số 13 đổ bộ, vợ chồng bà chằng chống cẩn thận trước khi đi tránh bão. “Bao nhiêu tài sản, vay mượn để dựng được ngôi nhà vậy mà giờ trắng tay”, bà Hoa nói trong nước mắt.
Do ảnh hưởng của bão số 13, trong đêm 14, rạng sáng 15/11 tại Quảng Nam có mưa to, gió quật mạnh, đặc biệt khu vực ven biển sóng cao cả chục mét. Sóng to gió lớn liên tục công phá, quật sập dãy nhà chuyên bán hải sản phục vụ du khách của 7 hộ dân ven biển Hội An (thuộc tổ 4, khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An).
Toàn bộ bờ biển Hội An đến thời điểm hiện tại đều bị sạt lở, nghiêm trọng nhất vẫn là khu vực bãi tắm Cửa Đại.
Bãi biển Ðà Nẵng tan hoang
Tại Đà Nẵng, tối 14 và rạng sáng ngày 15/11 có mưa to và gió lớn. Tuy tâm bão không đi vào, nhưng các khu vực ven biển, ven cửa sông ở Đà Nẵng đã bị sóng, gió kèm theo nước biển dâng cao đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho bờ biển, đê, kè chắn sóng. Các khu vực ven biển, cửa sông Hàn ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê chịu nhiều thiệt hại do mưa bão. Tại quận Hải Châu, khu vực cửa sông Hàn nước biển dâng cao, kèm sóng lớn đã làm tuyến đường Như Nguyệt và khu dân cư Thuận Phước bị ảnh hưởng nặng, lần đầu tiên bị ngập nước. Toàn bộ bờ kè sông dọc đường Như Nguyệt đã bị nước xói tung, nhiều đoạn bị sóng đánh nát, trơ lại lõi sắt thép. Các khu dân cư gần đó cũng bị nước sông Hàn dâng cao, gây ngập trong đêm.
Trong khi đó, tại khu vực bãi biển Mỹ Khê, Mỹ An, Phạm Văn Đồng, Mân Thái...vốn là những bãi biển đẹp nổi tiếng, sau bão trở nên tan hoang. Tại khu vực bãi biển Phạm Văn Đồng, toàn bộ hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất của các bãi tắm số 1, 2,3 đã hư hỏng nặng. Toàn bộ tuyến bờ kè bị sóng ăn sâu, xới tung, đánh sập. Rặng dừa chắn sóng nhiều cây đã bị sóng quật ngã, trơ rễ do cát đã bị xói mòn. Hệ thống trang thiết bị phục vụ vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao dọc tuyến biển đã bị sóng đánh hư hỏng, nhiều hạng mục trơ lại trụ bê tông, nghiêng ngả…
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết: Do trước đó, các bãi biển Đà Nẵng đã chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 9 nên khi bão 13 quét ngang qua, dù mức độ sóng không cao nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Ngoài việc gây xói lở một số khu vực, sóng biển cũng đã làm một số cơ sở vật chất tại các bãi biển hư hỏng. Thiệt hại nặng nhất là khu vực bãi tắm số 1, 2, 3 bãi biển Phạm Văn Đồng. Nhiều vị trí bị xói lở sâu, với chiều cao gần 1m.