Liên quan vụ việc các sếp Vinashinlines trong ''đại án tham ô'' sắp hầu tòa. theo tìm hiểu của Kiến Thức, ba bị cáo trong bị xét xử lần này là Trần Văn Liêm, 61 tuổi, nguyên Tổng giám đốc tổng công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Trần Văn Khương, 66 tuổi, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines và Giang Kim Đạt (39 tuổi, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh ) đã phạm vào tội Tham ô tài sản. Ngoài ra, tòa còn truy tố ông Giang Văn Hiển (66 tuổi, cha đẻ của Giang Kim Đạt) tội Rửa tiền.
|
Giang Kim Đạt - nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin
|
Theo cáo trạng về vụ án tham ô tại Vinashinlines, từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm giao cho Giang Kim Đạt thực hiện đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của nước Panama với giá 6,25 triệu USD và sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu. Sau khi trừ số tiền 10% trích lại cho công ty môi giới, 1,9 tỷ đồng đã được chuyển vào tải khoản của Giang Văn Hiển.
Tiếp theo Đạt lại tiến hành mua tàu Vinashin Island với giá 5,95 triệu USD của Croatia và sau khi thỏa thuận, Đạt được hưởng 3,75% trên tổng giá trị hợp đồng và trích lại 10% cho công ty môi giới. Với thương vụ này, số tiền được chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển là hơn 3 tỷ đồng.
Vụ mua tàu VinashinPhoenix, Đạt cũng thu lợi gần 6,5 tỷ đồng và vẫn theo kịch bản cũ là Marvin Shipping LTD chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển. Tổng cộng số tiền mà Đạt có được từ ba hợp đồng mua tàu nói trên là gần 11,5 tỷ và tất cả số tiền này được gửi vào tài khoản của Giang Văn Hiển.
|
Tổng cộng số tiền mà Giang Kim Đạt có được từ ba hợp đồng mua tàu của Vinashinlines là gần 11,5 tỷ. |
Ngoài mua tàu, Đạt và Khương còn chiếm đoạt tiền của Vinashinlines hơn 249 tỷ đồng bằng cách thông qua các công ty môi giới thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu trong thời gian từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008.
Ba bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã tham ô hơn 260 tỷ đồng từ các dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển của Vinashinlines. Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương chiếm đoạt 110.000 USD.
Theo cơ quan điều tra, ông Giang Văn Hiển sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình, đã rút tiền mặt ra đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên mình và người thân.
Báo Tiền Phong có đưa tin, báo cáo với Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Chính phủ cho biết, 19 Tập đoàn (TĐ), Tổng Công ty (TCT) còn lỗ lũy kế là 24.451 tỷ đồng, trong đó Vinalines thua lỗ đến 20.687 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ Vinalines có mức lỗ lũy kế là 388 tỷ đồng.Liên quan đến con số lỗ lũy kế lên đến trên 20 tỷ đồng của Vinalines, ông Trần Xuân Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines, cho biết: Phần lớn khoản lỗ lũy kế qua các năm của Vinalines được chuyển qua từ các doanh nghiệp (DN) của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin). Theo đó, các khoản lỗ này lên đến khoảng 13.000-14.000 tỷ đồng.
Trên báo Pháp luật TP HCM, đại diện Vinalines cho hay hiện ba công ty trực thuộc tiếp nhận từ Vinashin đang chuẩn bị cho phá sản gồm: Tổng Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương (Vinashinlines), Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon), Công ty TNHH MTV cảng Năm Căn (Cà Mau). Sau khi phá sản 3 doanh nghiệp này, khoản lỗ sẽ giảm.
Trước đó, báo VOV có đưa tin, liên tiếp trong 2 năm 2012 và 2013, công ty mẹ Vinalines cũng lỗ nặng, ở mức lỗ lần lượt là 1.348 tỷ và 3.122 tỷ đồng. Khi hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con, mức lỗ của công ty mẹ Vinalines sẽ còn cao hơn rất nhiều. Trong giai đoạn 2012 - 2013, các công ty con của Vinalines lỗ lớn có thể kể đến như CTCP Vận tải Biển Bắc - Nosco (NOS), lỗ 2.000 tỷ đồng, Vosco (VOS) lỗ 223 tỷ đồng, Vitranschart (VST) lỗ 350 tỷ..
Liên tiếp các năm từ 2009 - 2011, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng rơi vào tình trạng thua lỗ tương tự. Năm 2009, khi chưa nhận các đơn vị của Vinashin, Vinalines lỗ trên 400 tỷ đồng. Cuối năm 2010, Vinlalines lỗ trên 1.200 tỷ đồng, tỉ lệ nợ bằng 4,27 lần vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh giảm dần do tăng chi phí về lãi vay, chi phí quản lý và khối lượng lớn vốn đầu tư hiệu quả thấp.
Năm 2011, "đại gia" này cũng báo cáo lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Số nợ của Vinalines đến 4 tháng đầu năm 2012 lớn hơn nhiều lần vốn điều lệ, khối lượng lớn vốn đầu tư hiệu quả thấp.