Báo chí nên thích ứng với công nghệ và cuộc sống

Google News

“Báo chí liên tục thay đổi và thích ứng với sự phát triển của công nghệ và cuộc sống. Nội dung là vua, nhưng làm thế nào để trở thành vua thì không mấy ai nói tới”, ông Bạch Ngọc Chiến nói.

Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2022), Báo Tri thức và Cuộc sống có buổi trò chuyện với ông Bạch Ngọc Chiến – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Trưởng ban truyền hình đối ngoại VTV, Phó chủ tịch Tập đoàn EQuest Education xung quanh vấn đề chuyển đổi số báo chí.
Bao chi nen thich ung voi cong nghe va cuoc song
Ông Bạch Ngọc Chiến – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, nguyên Trưởng ban truyền hình đối ngoại VTV, Phó chủ tịch Tập đoàn EQuest Education.
Cách duy nhất để báo chí vượt trội mạng xã hội là chất lượng thông tin
- Thưa ông! ông đánh giá thế nào về sự thay đổi thói quen và cách tiếp cận báo chí của bạn đọc hiện nay?
Hiện nay, gần như người trưởng thành nào cũng có thiết bị di động và có thể tiếp cận hoặc tìm thông tin họ cần chỉ trong tích tắc. Vì thế, cách tiếp cận báo chí của độc giả thay đổi là điều tất yếu. Hầu hết độc giả hiện nay tiếp cận thông tin qua internet, mạng xã hội. Trước đây, nội dung và thông tin ít và các kênh truyền tải chỉ gồm báo in, báo hình, báo nói còn hiện nay thì phong phú về kênh truyền dẫn nhưng thông tin cũng không thực sự phong phú, hầu hết là tin thời sự, giải trí. Độc giả hiện nay cũng tự mình trở thành một nguồn phát tin. Hiện tượng các KOL có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người theo dõi là bởi họ có thể tạo ra nội dung độc đáo, thu hút được sự chú ý của dư luận xã hội. Cùng với sự phong phú về kênh và nội dung tin là sự lan tràn của tin giả của các nội dung nhảm nhí nhưng câu khách. Báo chí chính thống bị cạnh tranh mạnh mẽ và cách duy nhất để vượt trội chỉ là chất lượng thông tin.
Từ xưa đến nay báo chí vẫn lấy độc giả làm trung tâm và cung cấp cho độc giả cái họ cần. Vì nhu cầu của độc giả đa dạng và có nhiều dạng độc giả nên mỗi tờ báo luôn chọn cho mình độc giả phù hợp với tôn chỉ và mục đích của tổ chức mình. Tôi cho rằng, dù phục vụ đối tượng nào thì báo chí cũng nên tập trung vào chức năng giáo dục. Việc chạy theo các tin giật gân, câu khách sẽ dẫn đến việc tầm thường hoá cả người đọc và người làm nội dung. Nhờ công nghệ mà hiện nay việc lấy độc giả làm trung càng trở nên dễ dàng và thuận tiện trong việc cá thể hoá nội dung cho độc giả theo nhu cầu của họ thông qua các ứng dụng, các podcast, các kênh truyền thông riêng. Các tờ báo “nghiêm túc” với các nội dung “nghiêm túc” vẫn thu hút được độc giả của mình vì độc giả vẫn có xu hướng tìm kiếm thông tin và kiến thức thay vì chỉ thoả mãn nhu cầu thông tin thời sự.
- Vậy đẩy mạnh chuyển đổi số là việc sống còn của báo chí, thưa ông?
Đổi mới, thay đổi, thích ứng là điều tất yếu trong cuộc sống. Báo chí cũng liên tục thay đổi và thích ứng với sự phát triển của công nghệ và cuộc sống. Việc chuyển đổi số và thay đổi hơn nữa của báo chí để thích ứng với thời đại hiện nay là chuyện không cần phải bàn cãi nữa. Vấn đề là chuyển đổi số như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất đối với cả cơ quan báo chí và độc giả.
Chuyển đổi số chỉ là một sự lựa chọn về công nghệ có tính thời điểm còn duy trì chất lượng nội dung là quá trình lâu dài. Chuyển đổi số chỉ là hình thức, là công cụ, chất lượng nội dung mới là quan trọng nhất. Cần tận dụng công nghệ số hiện nay để nâng cao chất lượng nội dung như kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn, phong phú hoá nội dung, cá thể hoá nội dung cho từng độc giả và tương tác với độc giả.
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại ví dụ về các KOL hiện nay. Chỉ một người với nền tảng số là mạng xã hội với chi phí gần như không đáng kể nhưng lại có số lượng người theo dõi mà nhiều toà báo mơ ước vì họ có nội dung độc đáo. Đó có thể là tin độc quyền nhưng phần nhiều là những kiến giải sâu sắc về các hiện tượng, vấn đề xã hội, đưa ra góc nhìn mới mẻ, độc đáo. Các cơ quan báo chí đều có nguồn lực mạnh hơn mỗi cá nhân KOL, có chính danh và khả năng tiếp cận các nguồn tin dễ dàng hơn nên hoàn toàn có cơ hội chi phối được dư luận nếu phát huy được hết thế mạnh của mình. Người ta vẫn hay nói “Nội dung là vua - content is king” nhưng làm thế nào để trở thành vua thì không mấy ai nói tới.
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mua sắm thiết bị hiện đại
- Theo ông, phải hiểu thế nào cho đúng về chuyển đổi số trong báo chí?
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mua sắm thiết bị hiện đại. Chuyển đổi số hiện nay không tốn kém vì có rất nhiều các nền tảng số gần như miễn phí. Vấn đề quan trọng nhất là chuyển đổi số về nội dung mà đi kèm theo nói là sự thay đổi về quy trình làm việc, thay đổi cả khung năng lực của người làm báo. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi thấy mọi sự thay đổi sẽ nhận được cả sự ủng hộ và phản đối trong nội bộ vì xung đột về lợi ích và năng lực của đội ngũ hiện có.
Bao chi nen thich ung voi cong nghe va cuoc song-Hinh-2
“Chuyển đổi số không phải là phép màu hay là giải pháp cho mọi vấn đề, nó chỉ là công cụ”, ông Bạch Ngọc Chiến nói.
Để chuyển đổi số thành công trước hết phải xử lý được các vấn đề năng lực số nội tại. Tiếp theo là phải đưa ra giải pháp số hoá phù hợp với độc giả của mình. Ví dụ, tôi đặt tạp chí Economist từ nhiều năm nay và chứng kiến sự chuyển đổi ngoạn mục và hiệu quả của họ. Từ một tạp chí giấy, họ thúc đẩy phiên bản internet, tiếp theo là đưa ra ứng dụng đọc trên mạng. Mỗi bài báo hiện nay có thể đọc hoặc nghe, mà tôi thích nhất chức năng “nghe” vì đôi mắt của chúng ta đã bị quá tải rồi. Ngoài ứng dụng đọc số tạp chí hàng tuần, Economist cập nhật thông tin hàng ngày. Trên tất cả là chất lượng nội dung. Mỗi bài báo của họ đều được viết rất kỹ lưỡng và giàu giá trị về thông tin và kiến thức. Hàng tuần tạp chí này đến được 5,1 triệu thuê bao bản in và điện tử. Kết hợp với các nền tảng truyền thông xã hội của mình thì hàng tuần tạp chí tiếp cận 35 triệu độc giả. Và tôi cũng như nhiều người đọc khác đã trở thành “thuê bao” cho một dịch vụ trọn gói như vậy với cái giá không hề rẻ 369$/năm và sẵn sàng trả giá cao cho dịch vụ có chất lượng.
- Theo ông, giải pháp, yếu tố nào sẽ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số báo chí?
Tôi cho rằng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất! Như đã nói công nghệ và vốn đầu tư cho chuyển đổi số hiện nay không quá tốn kém, thậm chí có thể tận dụng các nền tảng số miễn phí sẵn có cũng được. Vấn đề quan trọng nhất là con người. Chuyển đổi số cần những người có năng lực số. Đó không chỉ là năng lực sử dụng thành thạo công nghệ mà biết tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng biên tập, chất lượng nội dung. Ngoài ra, một yêu cầu khác nữa là năng lực ngoại ngữ để có thể khai thác, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là chất lượng biên tập, chất lượng nội dung. Có vẻ như rất khó đáp ứng khung năng lực như thế này. Nhưng nếu không đặt ra tiêu chuẩn cao cho người viết thì cũng không thể có được độc giả đông như mong muốn của tờ báo.
- Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, do báo chí là lĩnh vực đặc thù nên sẽ có một chiến lược chuyển đổi số riêng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi lại không nghĩ là chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí lại khó khăn và tốn kém đến mức phải có chiến lược chuyển đổi số riêng. Việc chuyển đổi số trong quản trị cũng không quá khó khăn và hiện tại có nhiều phần mềm quản trị khá hiệu quả và không đắt đỏ nên có thể thuê thay vì mỗi cơ quan phát triển một phần mềm riêng. Chuyển đổi số không phải là phép màu hay là giải pháp cho mọi vấn đề, nó chỉ là công cụ. Vấn đề là con người sử dụng công cụ ấy thế nào cho hiệu quả thôi.
Xin cảm ơn ông!
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)