Sáng nay (16/12), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
|
Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, chuyên gia truyền thông. |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như thách thức và đang làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có báo chí, truyền thông. Thực tế, nguồn lực báo chí truyền thông hiện nay hầu hết chủ yếu được đào tạo theo hình thức truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông cần đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của kỷ nguyên số.
Theo lãnh đạo Báo VietNamnet, nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mitchell, 2018) cho thấy, 34% người Mỹ muốn nhận tin tức của họ từ mạng xã hội, trang web và ứng dụng. Vì vậy, các tòa soạn phải chuyển mình mạnh mẽ hơn. Trong đó, những người làm báo phải tìm cách tồn tại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, nhất là khi độc giả dễ dàng tìm được những nội dung tương tự, thậm chí nhanh hơn trên mạng xã hội.
Ở Việt Nam, xu thế này cũng diễn ra tương tự. Điều đó đòi hỏi các nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số phải chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, không chỉ viết các bài báo, chỉnh sửa video, đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi phân tích… các nhà báo kỹ thuật số còn phải chuẩn bị để viết về bất kỳ chủ đề nào ngay lập tức.
Chính vì vậy, ngoài chương trình đào tạo truyền thống, đào tạo người làm báo trong kỷ nguyên số cần thêm nhiều kỹ năng mới. Đào tạo người làm báo phải hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới.
Ths. Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chia sẻ một thực tế hiện nay, đó là dù các cơ sở đào tạo đã nỗ lực cung cấp các sân chơi nghề cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, nhưng nhiều cơ quan báo chí khi tiếp nhận học viên về thực tập hoặc tuyển dụng thì thấy rằng, số đông học viên rất khá về lý thuyết và kỹ năng nghề, nhưng kiến thức nền tảng về chính trị, kinh tế, văn hoá… còn rất thiếu và yếu.
Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đưa ra giải pháp với yêu cầu “3K” trong công tác đào tạo. Đó là kiến thức sâu sắc, kỹ năng (gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm), kỹ thuật và công nghệ. Trong kỷ nguyên số hiện nay, các nhà báo trẻ cần được đào tạo chuyên sâu và tự học về kỹ thuật, công nghệ, để làm chủ công nghệ và thành thạo các loạt hình thông tin như flycam, livestreaming, chuyển đổi văn bản từ giọng nói, kiểm soát các ứng dụng công nghệ IoT, Big data, AI… trong quản trị, sản xuất tin bài.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhân lực lĩnh vực báo chí, truyền thông trong thời gian tới, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV) đề xuất, Bộ TT&TT cần nghiên cứu để ban hành quy định đối với các nhà báo không tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo báo chí trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, bắt buộc phải có chứng chỉ nghề nghiệp báo chí.
“Nghề báo là nghề đặc biệt, có tác động to lớn tới đời sống xã hội, vì vậy, Bộ TT&TT cũng cần nghiên cứu để có quy định, nếu nhà báo không được đào tạo đúng chuyên ngành báo chí, cần được đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ do các cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp”, bà Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, nhiều giải pháp khác đã được đề xuất nhằm đổi mới công tác đào tạo báo chí, truyền thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí, từ đó đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới.
Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” năm 2021.