Chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đề cập về việc Facebook và Youtube là 2 mạng xã hội có số người sử dụng đông nhất hiện nay, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý do máy chủ các mạng xã hội này đặc ở nước ngoài.
Để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, Bộ có giải pháp và chủ trương gì để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển xã hội do Việt Nam sáng tạo ra?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge.
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn. |
“Từ năm 2008, chúng ta đã có một số trang như Tìm kiếm, Bamboo, xalo, Zingme… được kỳ vọng có thể thay thế được các trang mạng của nước ngoài như Facebook, Google. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh, do chính sách hỗ trợ đặc biệt của nhà nước cho nên Bamboo và xalo đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động.
Hiện chỉ còn Zingme tồn tại nhưng ngày càng tụt hậu cả số lượng và người sử dụng. Nếu so với mạng xã hội Facebook và Google thì lượng người sử dụng ở Zingme rất là thấp. Zingme sau đó đã chuyển hướng sang phát triển Zalo với khoảng 70 triệu tài khoản đăng ký nhưng vẫn thấp so với các mạng xã hội nước ngoài. Zalo được coi là ứng dụng có người Việt Nam sử dụng nhiều nhất sau Facebook và Youtube”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, từ thực tế đó, nếu có thể thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách nhưng với điều kiện phải ưu tiên, đồng bộ cả về tài chính, thuế, giảm bớt thủ tục hành chính, có những chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển thì từ đó mới hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh ở Việt Nam. Khi đó chúng ta mới có cơ sở để tin tưởng được các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng xây dựng được những sản phẩm có thể thay thế được Facebook, Youtube trong khoảng 5 đến 7 năm tới.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung xây dựng 4 mảng dịch vụ lớn, xây dựng mô hình 4 nhà: Nhà mạng viễn thông, nhà mạng hỗ trợ, nhà quảng cáo trong nước, nhà phát triển tập trung trong nước. Tập trung 4 nhà đó, lúc đó mới hi vọng xây dựng được hệ sinh thái số Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thay thế 2 mạng lớn. Đây là vấn đề rất khó vì thói quen và sự tương tác rất lớn từ mạng xã hội Facebook và google”, Bộ trưởng nói.