Vụ việc nhóm bạn trẻ sửa cột mốc biên giới 423 thành 428 tại Hà Giang để chụp ảnh sống ảo mới đây gây ra nhiều bàn cãi trong cộng đồng mạng.
Nhóm bạn này nhận không ít “gạch đá” vì lối sống ảo, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thành viên của nhóm đã lên tiếng xin lỗi về hành động thiếu suy nghĩ và nó một lần nữa cho thấy thực tế đáng buồn hiện nay: Không ít bạn trẻ sống ảo trên mạng xã hội.
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV - có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Ham sống ảo trên mạng xã hội vì cô đơn
- Chị có theo dõi vụ việc nhóm bạn trẻ sửa cột mốc biên giới để chụp ảnh khoe Facebook và quan điểm của chị về việc này?
- Khi sửa cột mốc từ số 3 thành 8, các bạn ấy chắc chắn không nghĩ được hệ lụy lại nghiêm trọng như vậy. Việc làm này một lần nữa khẳng định một bộ phận bạn trẻ sống ảo là có thật.
|
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh chia sẻ góc nhìn mới về giới trẻ và câu chuyện sống ảo. Ảnh: Hàn Triệt. |
Họ thích phô mình trên mạng xã hội nói chung, cũng như Facebook nói riêng, khoe nơi mình đến, đi qua, những điều đã làm một cách thái quá. Điều đó cho thấy các bạn ấy có nhu cầu bày tỏ bản thân quá lên so với bản thân.
- Chị có cho rằng nhiều người trẻ sống ảo do hiệu ứng đám đông? Nguyên nhân từ đâu mà họ lại có hành động và suy nghĩ như vậy?
- Tâm lý học có cụm từ “Tâm lý đám đông”. Bạn đăng dòng chia sẻ hay hình ảnh lên mạng được nhiều người like (thích), comment, sẽ có cảm giác sung sướng, thỏa mãn với những giá trị không có thật.
Họ cho rằng người nào được nhiều like, comment nhiều, người đó sẽ nổi tiếng, thành công. Cõ lẽ vì vậy, không ít bạn ngộ nhận rằng biết đâu đấy mình làm được điều đó thông qua mạng.
Điều này cũng do môi trường xung quanh có nhiều người sống ảo. Các bạn đó bị hùa theo tâm lý đám đông. Hệ lụy là họ muốn làm mọi cái trong xã hội ảo tốt hơn ngoài đời thực.
Nguyên nhân đầu tiên là từ chính các bạn trẻ đó. Họ chưa có khả năng quản trị cảm xúc, tự mình tạo ra giá trị thực của bản thân và tin tưởng các giá trị của mình, mà chỉ bị đám đông chi phối.
Mạng xã hội Facebook giống như "cái chợ", những chuyện riêng tư bị chia sẻ. Người chín chắn sẽ không làm điều đó. Người nổi tiếng, thành công thường không bao giờ khoe đời sống riêng tư. Nhiều bạn trẻ thiếu vốn sống, kinh nghiệm, nền tảng văn hóa nên dễ bị xao động trước giá trị ảo.
Tôi nghĩ đốt trường hay nhảy lầu khi thất tình là vì bản thân họ không làm chủ được cảm xúc. Thứ hai, họ bị áp lực rất lớn từ phía đám đông. Tất cả điều đó là mặt trái của mạng xã hội.
- Dường như thích thể hiện bản thân, thiếu tự tin cũng là một trong những yếu tố tác động người trẻ có hành động chưa chuẩn mực trên mạng xã hội?
- Nhiều người trẻ sống trong một môi trường cô đơn, có nhu cầu nói chuyện, chia sẻ, tương tác với những người trên mạng - nơi tưởng vô hại mà lại không an toàn. Điều này trước tiên do lỗi của chính các bạn ấy.
Một thực tế khác là không gian, hoạt động ngoài đời thực không đủ hấp dẫn. Sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần khiến họ không có những cuộc đi chơi giao lưu, khóa học hấp dẫn, gia đình buông lỏng quản lý... Nhiều yếu tố đẩy đứa trẻ đến với mạng xã hội và lệ thuộc vào nó.
Hãy tham gia nhiều hoạt động thiết thực
- Muốn khắc phục lối sống ảo quá mức như hiện nay, tránh hậu quả đáng tiếc, người trẻ phải làm gì?
- Tôi thấy nhiều bạn hiện nay bị nghiện Facebook. Mạng xã hội khiến các bạn ấy hoàn toàn mất kiểm soát thời gian. Nó ảnh hưởng công việc, sức khỏe, không ít bạn đã bị tâm thần.
Giải pháp khắc phục thứ nhất: Bạn đã nghiện rồi thì phải vào “trại cai nghiện”. Bạn có thể tham gia những khóa học thiền, lớp học kỹ năng, có những lớp ngoại khóa học viên không được dùng thiết bị công nghệ kết nối Internet, không điện thoại di động. Đó cũng là giải pháp để cho các bạn dứt "cơn nghiện" trong một khoảng thời gian ngắn.
Thứ hai, gia đình nên tạo cho con đời sống tinh thần phong phú: Truyền cho con ham mê đọc sách, vẽ tranh, khiêu vũ, nhảy, có thể viết tự truyện...