Đó là câu hỏi của phóng viên Dân Việt đặt ra với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW).
Theo luật sư Hà:
Sự phát triển của công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội là một tiến bộ của nhân loại. Mạng xã hội giúp con người xóa đi khoảng cách về địa lý, tự do chia sẻ thông tin, suy nghĩ cảm xúc của mình… nhưng đây cũng là môi trường thuận lợi để kẻ xấu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc bôi nhọ danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức…
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ"; "Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình…”
Điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: nghiêm cấm các hành vi: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Hành vi thóa mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý không gian mạng là rất khó khăn, và để có thể xử lý được hành vi vi vi phạm thì trước hết phải xác định được chủ nhân của tài khoản có hành vi vi phạm đó.
Về xử lý hành chính: Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
|
Ảnh minh họa. I.T |
Khi nào hành vi bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thưa luật sư?
- Những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành “tội làm nhục người khác” ” và “tội vu khống” theo quy định tại Điều 121, Điều 122 Bộ luật Hình sự
Cụ thể, các điều luật này quy định như sau:
Điều 121. Tội làm nhục người khác có nội dung: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
- Phạm tội nhiều lần;
- Đối với nhiều người;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người thi hành công vụ;
- Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Điều 122. Tội vu khống có nội dung: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với nhiều người;
- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
- Đối với người thi hành công vụ;
- Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ở mức độ nào bị coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự? Nếu không định lượng được vấn đề này thì cũng khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Quan điểm của luật sư thế nào?
Đúng là như vậy, thực tiễn có nhiều vụ xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng việc xử lý mỗi nơi một khác.
- Theo tôi, đổi với hành vi bị coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác trên mạng xã hội mà bị truy cứu về tội làm nhục người khác thì người phạm tội phải là người có hành vi: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ có tính chất nhiều lần, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của người bị xúc phạm đó. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại.
Người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Cùng một câu nói, đối với người này câu nói đó bị coi là xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, có người lại coi đó là bình thường…
Nhiều khái niệm “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” trong một số điều luật chưa được giải thích, hướng dẫn nên không tránh khỏi cách vận dụng khác nhau khi xét xử - Đó là một thực tiễn. Tuy nhiên từ niềm tin nội tâm, trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục tập quán, dư luận xã hội…thẩm phán sẽ cân nhắc để đánh giá được rằng ở mức độ nào thì bị coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự
Trân trọng cảm ơn luật sư!