Một khoảnh khắc ngắn ngủi đến nỗi mà mắt người hiếm khi nhìn thấy được chứ chưa nói gì đến máy ảnh. Vậy nhưng, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã thành công trong việc ghi lại được hình ảnh tia sáng xanh của Mặt Trời, hiện tượng quang học khiến Mặt trời chuyển màu xanh khi xuất hiện trên đường chân trời, theo tin tức về hiện tượng lạ trên Mirror.
Nhiếp ảnh gia may mắn này chính là Derek Ryan, 50 tuổi. Ông phát hiện thấy hình ảnh bất thường khi đang đi dạo buổi sáng trên bãi biển tại Tarves, Aberdeenshire, Scotland trước khi làm việc.
|
Hiện tượng lạ Mặt trời chuyển màu xanh tại Aberdeenshire, Scotland. |
Tia sáng xanh là hiện tượng phát khi Mặt trời thay đổi màu sắc nhanh chóng mà chỉ có thể bắt gặp một cách ngẫu nhiên. Theo NASA, cảnh tượng huyền thoại này được tạo ra khi không khí bị bẻ cong và ánh sáng Mặt trời bị khuếch tán.
Bầu khí quyển của Trái đất hoạt động giống như lăng kính, nó phân tách tia sáng trắng của Mặt trời thành các màu riêng biệt, tạo thành màu đỏ khi bị bẻ cong nhẹ và tạo thành màu xanh lá và xanh dương ở góc độ lớn hơn. Hiện tượng này thường chỉ kéo dài 1 đến 2 giây khi bình minh hoặc hoàng hôn. Đó là lý do tại sao nó được gọi là tia sáng.
Trong điều kiện thời tiết quang đãng, khi các tia Mặt trời chiếu đến người quan sát mà không bị khuếch tán thì tia sáng xanh có nhiều khả năng nhìn thấy hơn. Ông Ryan cho biết: "Đây là một hiện tượng mà mọi người có thể quan sát bất cứ khi nào. Tại nơi Mặt trời mọc hiện tượng này xảy ra khá phổ biến. Tôi đã dùng máy ảnh để chụp cảnh Mặt trời mọc nhưng bất ngờ đã ghi lại được cảnh tượng tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên tôi chụp được tấm hình về hiện tượng này".